Phần mềm bệnh án điện tử đang là mục tiêu hướng tới của nhiều bệnh viện trên cả nước. Không ngoài xu hướng đó, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái đã triển khai mạnh mẽ hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh.
Căn cứ Thông tư số 54/2017/TT-BYT ban hành Bộ tiêu chí ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái đã được Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế công bố triển khai Hồ sơ bệnh án điện tử từ ngày 1/9/2022, thay thế hoàn toàn bệnh án giấy. Là một trong 35 cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái là một trong số ít bệnh viện ở khu vực miền núi áp dụng Hồ sơ bệnh án điện tử, được Bộ Y tế đánh giá cao.
Hiện nay, bệnh nhân đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái chỉ cần mang theo thẻ bảo hiểm y tế hoặc điện thoại thông minh cài đặt ứng dụng VSSID để quẹt mã lấy số và đăng ký khám bệnh tại các ki ốt phát số tự động thông minh. Sau đó, bệnh nhân sẽ được hướng dẫn lên thẳng chuyên khoa khám bệnh. Tại đây, thông tin thứ tự khám bệnh được cập nhật trên màn hình đợi khám tại các phòng tương ứng. Tất cả kết quả khám lâm sàng của bệnh nhân được cập nhật lên hệ thống mạng của bệnh viện kết nối với tất cả các khoa, phòng…
Hiệu quả của bệnh án điện tử mới được triển khai đã góp phần rút ngắn thời gian cho thủ tục hành chính, được đa phần người bệnh đánh giá là tiện lợi, nhất là đối với những người bệnh cao tuổi mắc bệnh mạn tính phải thường xuyên tới khám, điều trị tại Bệnh viện. Chị Nguyễn Thu Hường (phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái) cho biết: Bà bị bệnh đái tháo đường nên thường xuyên đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh khám, lấy thuốc theo lịch hẹn của bác sĩ. Từ khi Bệnh viện triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, các thủ tục hành chính đăng ký khám, chữa bệnh được rút gọn. Người bệnh không còn phải mang giấy tờ khi đi khám, nên rất nhanh, tiện lợi mà không sợ thất lạc giấy tờ. Các bác sĩ có nhiều thời gian thăm khám, tư vấn và giải thích cho người bệnh kỹ càng hơn.
Bà Vũ Thị Hoa ở xã Bảo Hưng, huyện Trấn Yên bị mắc bệnh suy tim cấp. Được các y bác sĩ Khoa hồi sức - tích cực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cấp cứu kịp thời và dần hồi phục, bà Hoa cho biết, người nhà của bà chỉ cần thao tác trên chiếc điện thoại thông minh để làm thủ tục tạm thu không dùng tiền mặt, không phải đi lại nhiều lần, tạo thuận tiện cho cả người nhà, bệnh viện, giúp người bệnh yên tâm hơn trong quá trình khám, chữa bệnh.
Tại các khoa thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái, hàng ngày, các bác sĩ đã không còn ôm những tập bệnh án dày, nặng mỗi khi hội chẩn. Bằng việc trang bị máy tính bảng kết nối internet, mọi thông tin về người bệnh được tra cứu đơn giản, thuận tiện. Người bệnh rút ngắn được thời gian điều trị, còn các bác sĩ thêm tăng hiệu suất khám chữa bệnh.
Bác sĩ Lê Duy Quân, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái cho biết: "Nhờ việc sử dụng bệnh án điện tử, việc truy cập bệnh án, hồ sơ của bệnh nhân dễ dàng, giúp cho bệnh nhân ký xác nhận đơn thuốc nhanh hơn. Khi bệnh nhân chuyển sang các khoa khác, bác sĩ ở khoa đó cũng nắm được tình hình của bệnh nhân nhanh hơn và có hướng điều trị kịp thời".
Theo Bác sĩ Chuyên khoa 2 Nguyễn Văn Chúc, Trưởng Khoa Hồi sức - tích cực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái, nhờ triển khai bệnh án điện tử, bệnh nhân được đăng ký khám chữa bệnh từ xa qua điện thoại thông minh giúp rút ngắn thời gian về mặt thủ tục. Hồ sơ bệnh án của bệnh nhân điều trị sẽ được lưu trữ trên phần mềm liên thông với Cổng thông tin Bảo hiểm Xã hội Việt Nam.
Giám đốc Sở Y tế tỉnh Yên Bái Lê Thị Hồng Vân đánh giá, việc thực hiện hồ sơ bệnh án điện tử của Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã góp phần rút ngắn thời gian thủ tục hành chính điện tử nhằm hỗ trợ tối đa cho công tác khám, chữa bệnh của các bác sĩ, mang lại hiệu quả thăm khám và điều trị tốt nhất cho người bệnh. Thời gian tới, ngành sẽ từng bước xây dựng kế hoạch triển khai ở các đơn vị khác, góp phần chuyển đổi số mạnh mẽ trong lĩnh vực khám chữa bệnh, đảm bảo chăm sóc sức khỏe nhân dân được tốt hơn.
Là bệnh viện hạng 1 với 750 giường bệnh, 33 khoa, phòng và 476 cán bộ, y bác sĩ, hàng năm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái khám, điều trị cho gần 190.000 lượt bệnh nhân; thực hiện trên 7.500 ca phẫu thuật kỹ thuật cao và trên 300 kỹ thuật vượt tuyến...
Năm 2019, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái bắt đầu triển khai số hóa bệnh án; phân loại định dạng số hóa văn bản, hình ảnh; kết nối hạ tầng và tổ chức đào tạo tập huấn số hóa cho 100% cán bộ nhân viên; xây dựng quy chế sử dụng chữ ký số và chữ ký điện tử.
Đơn vị triển khai hệ thống khám chữa bệnh từ xa Telemedicine với các bệnh viện tuyến Trung ương và tuyến dưới; triển khai thanh toán không dùng tiền mặt với các phương thức QRCode, Mobile Banking/ Internet Banking, máy POS, thẻ bệnh nhân… Qua thẩm định, các điều kiện thực hiện Bệnh án điện tử tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái đều đạt mức nâng cao.