Bà Phạm Thị Mạnh, 79 tuổi, ngụ huyện Nhà Bè (TP.HCM) đến Bệnh viện FV trong tình trạng ốm yếu và suy kiệt. Bà cho biết đã bị khối u trong khoang miệng từ 9 năm trước nhưng hơn 2 năm gần đây thì khối u phát triển to hơn, chèn ép khoang miệng, như cục xương lớn chắn ngay khẩu cái khiến bà chỉ ăn được cháo xay nhuyễn và uống sữa để sống qua ngày. Khối u ngày càng to chèn ép và lở loét khiến bà ăn không được, ngủ không yên và dần trở nên suy kiệt.
Cụ bà được Bác sĩ Võ Công Minh thăm khám. |
TS. BS Võ Công Minh - Trưởng khoa Tai Mũi Họng FV là người trực tiếp điều trị ca bệnh cho biết u xương khẩu cái chiếm tỷ lệ khá cao trong các bệnh u bướu lành tính của vùng đầu cổ. Tuy nhiên, khối u to đến mức ảnh hưởng chức năng nhai và nuốt như của bệnh nhân cao tuổi này thuộc dạng hiếm gặp và phức tạp.
“Trước khi quyết định phẫu thuật, đề phòng bỏ sót những bệnh lý đi kèm mà đôi khi lại có thể là nguyên nhân khiến bệnh nhân không ăn uống được, chúng tôi kiểm tra rất kỹ và cuối cùng nhận thấy nguyên nhân đúng là do khối u xương khẩu cái gây ra. Vậy nên tôi quyết định phẫu thuật ngay cho bà cụ”, TS. BS Võ Công Minh chia sẻ.
Ca phẫu thuật kéo dài khoảng một tiếng rưỡi đồng hồ, vì khối u xương quá to chiếm hết vùng hàm trên từ răng bên này sang răng bên kia và mặt dưới khối u cũng đụng mặt lưỡi. Do kích thước khối u quá lớn nên bác sĩ phải mài nhỏ từng phần để gắp ra. Ca mổ thành công tốt đẹp và khi tỉnh dậy, bà Mạnh cảm thấy khoang miệng “thông thoáng” dễ chịu.
Cụ bà 79 tuổi vui mừng sau ca phẫu thuật thành công. |
TS. BS Võ Công Minh chia sẻ, u xương khẩu cái, hay còn gọi là lồi xương hàm là một bệnh có tỷ lệ khá cao, chiếm hơn 65% bệnh u lành vùng đầu cổ. Tỷ lệ u khẩu cái ở nữ cao hơn nam giới. Khi u lồi bình thường, không ảnh hưởng chức năng nhai nuốt thì không cần phẫu thuật. Tuy nhiên, nếu khối u có xu hướng phát triển thì cần theo dõi và đến bệnh viện sớm để được điều trị.