Theo tìm hiểu của phóng viên, cách đây khoảng 5 tháng, chị V. bị sốt, mắt đỏ, rát và chảy nước mắt kéo dài, thị lực lúc rõ lúc nhoè... nên đi khám tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định. Kết quả thăm khám ban đầu, chị V. bị viêm giác mạc, viêm tắc tuyến lệ... Do không có trang thiết bị và vật tư chuyên dụng điều trị bệnh lý này nên bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định đã chuyển chị V. vào Bệnh viện Mắt TP.HCM để được điều trị.
Giữa tháng 11/2020, chị V. tới khám và điều trị tại Bệnh viện Mắt TP.HCM. Người phụ nữ kể lại: ‘Sau khi kiểm tra thăm khám, bác sĩ cho biết tôi bị tắc, viêm tuyến lệ. Sau đó, chỉ định cho tôi đi thông tuyến lệ. Tuy nhiên, phương án trên đã thất bại. Mắt tôi vẫn bị nhức, rát và chảy nước như trước đó. Trước tình hình này, bác sĩ Bệnh viện Mắt TP.HCM tiếp tục cho chỉ định phẫu thuật mổ thông tuyến lệ, nhưng phải chờ vì... bệnh viện hết vật tư (ống dẫn). Giải pháp tình thế mà bác sĩ bệnh viện này có thể làm khi đó là... kê toa cho tôi một lọ thuốc nhỏ mắt.
Do không có vật tư để mổ nên tôi cũng như nhiều bệnh nhân khác đành lủi thủi quay về quê chờ bệnh viện gọi như hứa hẹn. Vậy mà, đã 5 tháng trôi qua, dù phải nhỏ thuốc thường xuyên nhưng tình trạng sức khoẻ của tôi không hề cải thiện. Tình trạng chảy nước mắt, rát khi ra nắng... liên tục tái diễn khiến tôi và gia đình vô cùng lo lắng. Không chỉ tôi, mà còn một số bệnh nhân bị viêm tuyến lệ như tôi cũng chung hoàn cảnh “khóc dở, mếu dở” vì không thể điều trị dứt điểm khi không có vật tư”.
Chị V. bày tỏ: “Mắt cực kỳ quan trọng. Do đó, tôi mong mỏi bệnh viện cũng như ban ngành chức năng sớm có giải pháp để chúng tôi được điều trị sớm, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra”.
Khu khám và điều trị trong ngày của Bệnh viện Mắt TP.HCM |
Trao đổi với phóng viên Ngày Nay, một bác sĩ chuyên khoa Mắt cho biết: “Bệnh tắc tuyến lệ xảy ra khi hệ thống dẫn lưu nước mắt của mắt bị tắc nghẽn một phần hoặc hoàn toàn. Việc tắc tuyến lệ đa phần sẽ tự khỏi, tuy nhiên với một số trường hợp có thể gây nguy cơ bị kích ứng, nhiễm trùng mắt mạn tính. Bệnh cũng có thể gây ra tình trạng viêm kết mạc kéo dài, làm tăng khả năng phát triển của vi khuẩn, virus và nấm ảnh hưởng đến thị lực và khả năng quan sát của mắt. Nếu không được điều trị có thể gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm như ảnh hưởng đến thị lực, xoang, các vấn đề về não…”.
Sau khi nhận được phản ánh của bệnh nhân, phóng viên Ngày Nay đã liên hệ với lãnh đạo Bệnh viện Mắt TP.HCM để tìm hiểu nguyên nhân, vì sao lại xảy ra tình trạng thiếu vật tư kéo dài khiến cho bệnh nhân không thể điều trị. Tuy nhiên, đến nay, lãnh đạo Bệnh viện Mắt TP.HCM vẫn không có phản hồi cũng như phương án khẩn trương để điều trị cho người bệnh bị viêm tuyến lệ.
Theo tìm hiểu của phóng viên, đầu tháng 11/2020, do liên quan đến việc mua bán đấu thầu trang thiết bị, vật tư y tế, cơ quan điều tra Bộ Công an đã tiến hành làm việc, khám xét nhà ở và nơi làm việc một số lãnh đạo Bệnh viện Mắt TP.HCM. Đến tháng 2/2021, cơ quan điều tra cũng đã có quyết định khởi tố, bắt tạm giam Giám đốc và 2 phó giám đốc Bệnh viện Mắt TP.HCM để điều tra.
Cũng từ thời điểm đó, Bệnh viện Mắt TP.HCM tạm được giao phó cho những cá nhân trong ban lãnh đạo bệnh viện còn lại để bảo đảm công tác khám chữa bệnh cho người dân. Tuy nhiên, đến nay, không hiểu năng lực quản lý điều hành ra sao, cũng như vướng mắc gì mà suốt gần nửa năm qua, Bệnh viện Mắt TP.HCM lại thiếu vật tư để chữa trị cho người bệnh mà không có giải pháp khắc phục?. Bên cạnh đó, không hiểu sao, Sở Y tế TP.HCM cũng không có động thái hay chỉ đạo nào để chấm dứt tình trạng “sống chết mặc bay”!