Theo Google Trends, từ khóa "corona" đã nổi lên vào ngày 9/1, khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết dịch viêm phổi cấp bí ẩn xuất hiện tại Vũ Hán, là do một loại virus corona mới gây ra.
Số lượng tìm kiếm từ khóa này sau đó tiếp tục gia tăng khi dịch bệnh bùng phát ra khỏi Trung Quốc, khi lần lượt các trường hợp nhiễm bệnh được phát hiện tại Việt Nam, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Ấn Độ,...
"Corona" có nghĩa là "vương miện" trong tiếng Latin. Thuật ngữ virus corona, đề cập đến một chủng loại virus có gai trên bề mặt giống như những chiếc vương miện nhỏ.
Chủng virus corona. Ảnh: NIH |
Virus gây ra dịch bệnh tại Vũ Hán là một chủng mới được phát hiện đặt tên là là virus corona mới 2019 (2019 n-CoV). Các "họ hàng" của nCoV bao gồm SARS-CoV, gây ra dịch bệnh hô hấp cấp tính nghiêm trọng năm 2003 và MERS-CoV, dịch bệnh hô hấp Trung Đông (Mers) năm 2012.
Bia "Corona" được đặt tên theo vương miện trang trí tại nhà thờ Đức Mẹ Guadalupe ở thị trấn Puerto Vallarta của Mexico. Loại bia này được ra mắt lần đầu tiên vào năm 1925, bốn thập kỷ trước khi virus corona đầu tiên được phát hiện.
Hiện trên các trang mạng xã hội có rất nhiều ảnh liêm quan tới nCoV và loại bia nhẹ của Mexico. Thậm chí, nhà phân phối bia "Corona" tại New Zealand đã tranh thủ thời điểm thế giới "phát sốt" về dịch bệnh để tiếp thị cho sản phẩm của mình.
Nhà phát hành bia Corona tại New Zealand đã hứng chịu chỉ trích sau khi đăng bài quảng cáo sản phẩm nhân dịp từ khóa này được tìm kiếm nhiều trên mạng Internet. |
Một số người tỏ ra không thích thú trước cách đánh bóng thương hiệu này, nói rằng dịch bệnh viêm phổi cấp không phải là điều đáng để đùa. Ngay sau đó, nhà phân phối đã ngừng cách tiếp thị "thiếu tôn trọng tính mạng của người khác" này.
Các quán bar của Singapore cũng cho biết doanh số bán bia "Corona" không hề gia tăng như sức hút trên mạng Internet.
Jessie Chew, người tiếp thị cho lĩnh vực thực phẩm và đồ uống, cho biết cô sẽ không khuyên khách hàng của mình tận dụng dịch bệnh để quảng cáo sản phẩm. "Việc này có thể gây ra nhiều sự nhầm lẫn. Thành thật mà nói, việc gắn sản phẩm bia với một loại virus không phải là một động thái marketing khôn ngoan", Chew nhận định.
Tuy nhiên, cô cho biết các bức ảnh và bài đăng trên mạng có thể là một cách hài hước để mọi người đối phó với dịch bệnh - miễn là công chúng biết rằng các bài đăng chỉ dừng ở mức độ nhẹ nhàng.
Chuyên gia tư vấn tiếp thị Pat Law cho biết các thương hiệu có thể tận dụng các xu hướng trên mạng Internet và trong thực tế nhưng họ phải lưu tâm đến bối cảnh. "Một quy tắc đơn giản đó là tránh xa các tin tức liên quan đến sức khỏe bởi vì đây là một vấn đề nghiêm trọng và người ta nên tôn trọng điều đó", Law nói.
Đây không phải là lần đầu tiên tên của một căn bệnh và một sản phẩm tiêu thụ bị nhầm lẫn. Trong cuộc khủng hoảng đại dịch AIDS vào những năm 1980, một loại bánh kẹo ức chế sự thèm ăn có tên Ayds đã bị giảm 50% doanh số cũng bởi có tên gần giống một loại bệnh tật.
Những thông tin sai lệch khác về nCoV mà WHO đã phát hành bao gồm những tin đồn rằng nó có thể lây sang vật nuôi như mèo và chó (hiện tại không có bằng chứng nào về điều này) và nó có thể được điều trị bằng kháng sinh (kháng sinh chỉ điều trị vi khuẩn nhiễm trùng, không nhiễm virus).