“Đau đầu” ô nhiễm
Dọc hai bên khu neo đậu tàu thuyền của cảng cá Tam Quan có gần 20 điểm thu mua thủy hải sản, trên 15 cơ sở sản xuất đá lạnh. Các cơ sở hầu hết không có bể xử lý nước thải. Trong khu vực cảng cá, mỗi ngày có cả trăm tàu thuyền neo đậu. Rác sinh hoạt, chất thải đều xả ngay tại chỗ. Đó là chưa kể, các chủ tàu còn vệ sinh tàu, hầm chứa, động cơ khi tàu cập cảng. Rác thải, nước thải trên tàu đổ trực tiếp khu neo đậu.
Một phần rác thải từ hoạt động của 10 xưởng đóng, sửa chữa tàu cạnh khu vực cảng cá cũng xả thải vô tư ra ngoài. Ngoài ra, cư dân sống lân cận cảng cá có hộ còn vứt xả rác bừa bãi ra luồng, lạch neo đậu và sông Thiện Chánh. Trong khi đó, hệ thống dịch vụ hậu cần tại cảng cá vừa thiếu, lại không đảm khiên môi trường trở nên ô nhiễm.
Kết quả kiểm tra (ngày 8 - 9/11/2018) của Phòng TN&MT huyện Hoài Nhơn, cho thấy chỉ có 4/15 cơ sở thu mua thủy hải sản dọc sông Thiện Chánh được kiểm tra, gồm: Công ty TNHH Hải Nguyên, Công ty TNHH Hải Hà, Công ty TNHH Dịch vụ thương mại Phước Tiến và Công ty CP Thủy sản Bình Định (hiện cho Công ty TNHH thủy sản Ngọc Hà thuê mặt bằng để thu mua hải sản) thực hiện việc thu gom và đấu nối nước thải vào Trạm xử lý nước thải tại Khu chế biến thủy sản tập trung Tam Quan Bắc theo quy định. Các cơ sở hoạt động còn lại đều xả nước, chất thải ra sông Thiện Chánh không qua quy trình xử lý,…
Ông Nguyễn Minh Khải, Giám đốc Ban quản lý cảng cá Tam Quan, thừa nhận: “Trung bình hàng tháng có 1.000 - 1.200 tàu thuyền cập bến để bán sản phẩm, lấy nhiên liệu, thực phẩm để ra khơi đánh bắt. Hơn nữa, dọc cảng cá Tam Quan có gần 20 điểm thu mua hải sản (chủ yếu mua cá). Các điểm này không thuộc nhiệm vụ quản lý của ban và hầu như bỏ lơ công việc vệ sinh môi trường. Do đó, áp lực về rác, nước thải là rất lớn”.
Nỗ lực khắc phục, giảm thiểu ô nhiễm!
Sau khi tiếp nhận quản lý từ tháng 6.2018, đến nay, Ban quản lý cảng cá Tam Quan đã hợp đồng với Đội quản lý trật tự đô thị huyện thực hiện thu gom rác thải trên khu vực cảng cá; đồng thời, khắc phục, vận hành trở lại Trạm xử lý nước thải tại Khu chế biến thủy sản tập trung Tam Quan Bắc sau thời gian bị “đắp chiếu”; đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng hơn cho bà con ngư dân về công tác vệ sinh môi trường.
Hiện nay, Ban quản lý cảng cá Tam Quan đang tăng cường công tác kiểm tra, quản lý vệ sinh môi trường tại cảng cá Tam Quan; yêu cầu đơn vị thu mua hải trong khu vực cảng phải có biện pháp thu gom, xử lý nước thải sản xuất, nội tạng hải sản trong quá trình mổ cá theo quy định. Đối với các cơ sở hoạt động ngoài Khu chế biến thủy sản tập trung Tam Quan Bắc, UBND huyện Hoài Nhơn yêu cầu phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải để thu gom hoặc vận chuyển về Trạm xử lý nước thải tại Khu chế biến thủy sản tập trung Tam Quan Bắc để xử lý; tiến hành ký hợp đồng với Đội quản lý trật tự đô thị huyện để thu gom rác phát sinh trong quá trình sản xuất.
Ông Nguyễn Minh Khải, Giám đốc Ban quản lý cảng cá Tam Quan, cho biết thêm: “Hiện nay, chúng tôi đang xây dựng phương án vận chuyển nước thải, thu gom rác và nội tạng tại các điểm thu mua hải sản nằm ngoài Khu chế biến theo quy trình thống nhất. Thời gian tới, Ban sẽ làm việc với các cơ sở này để thống nhất việc đầu tư một xe bồn để thu gom nước thải rồi chuyển về Trạm xử lý nước thải tập trung để xử lý cho đồng bộ. Đồng thời, hiệp đồng với Đội quản lý trật tự đô thị huyện để thu gom rác thải đưa về bãi xử lý”.
Ngoài ra, Ban quản lý cảng cá Tam Quan tiếp tục vận động các chủ cơ sở chế biến hải sản trang bị thùng rác đặt nơi phù hợp để ngư dân bỏ rác. Chủ tàu hoặc người lao động đi trên tàu có trách nhiệm chuyển số rác tại thùng có sẵn vào điểm tập kết để Đội quản lý trật tự đô thị huyện thu gom. Tổ thanh tra, kiểm soát nghề cá của ban quản lý cũng phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp cố tình vứt xả rác, đổ chất thải không đúng nơi quy định xuống khu vực cảng.