Có nhiều thói quen sống có thể làm tăng nguy cơ tiểu đường. Thật bất ngờ, bỏ qua bữa sáng lại là một trong những thói quen làm tăng nguy cơ tiểu đường loại 2, theo Express và Israel 21c.
Bữa sáng là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày, nhưng một số người hầu như không bao giờ ăn sáng.
Một đánh giá được công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng, đã nhấn mạnh thêm vai trò của bữa ăn sáng.
Nghiên cứu cho thấy rằng bỏ bữa sáng dù chỉ 1 ngày một tuần cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 lên 6%.
Điều đáng kinh ngạc là nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng việc bỏ bữa sáng 4 - 5 ngày một tuần sẽ làm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tăng vọt lên con số gây sốc 55%.
Tiến sĩ Sabrina Schlesinger, trưởng nhóm nghiên cứu thực tập với đề tài Đánh giá Hệ thống tại Trung tâm Tiểu đường của Đức ở Düsseldorf, và các đồng nghiệp, đã phân tích thông tin sức khỏe từ sáu nghiên cứu quan sát khác nhau, đại diện cho hơn 90.000 cá nhân. Trong đó, có 4.935 người mắc bệnh tiểu đường.
Các nhà khoa học phát hiện ra rằng cứ mỗi ngày bỏ bữa sáng trong tuần, nguy cơ mắc bệnh tiểu đường lại tăng lên và đạt mức tối đa ở ngày thứ 5.
Nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 ở những người ăn sáng không đều đặn, cao hơn 32% so với những người không bao giờ bỏ bữa sáng.
Các tác giả nghiên cứu quan sát rằng chỉ số khối cơ thể BMI chỉ ảnh hưởng một phần đến việc những người bỏ bữa sáng có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao hơn.
Ngay cả sau khi tính đến chỉ số BMI, thì bỏ bữa sáng vẫn làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, tiến sĩ Schlesinger nói trong một thông cáo báo chí.
Mặc dù cô và các đồng nghiệp của mình lưu ý rằng béo phì là yếu tố nguy cơ rõ ràng đối với bệnh tiểu đường loại 2 và những người béo phì có xu hướng bỏ bữa sáng hơn những người có cân nặng bình thường, nhưng kết quả chỉ ra rằng dù cân nặng là bao nhiêu, thì không ăn bữa sáng vẫn làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2.
Hơn nữa, bệnh nhân tiểu đường bỏ bữa sáng có nguy cơ tăng đường huyết.
Các nhà nghiên cứu cho biết, nhịn ăn cho đến buổi trưa gây ra đột biến lượng đường trong máu lớn: tăng đường huyết sau ăn, và làm suy yếu các phản ứng insulin của bệnh nhân tiểu đường loại 2 trong suốt thời gian còn lại của ngày.
Một điều đáng chú ý là, đối với những người mắc bệnh tiểu đường loại 2, việc bỏ bữa sáng làm gia tăng đáng kể lượng đường trong máu trong cả ngày.
Nghiên cứu được thực hiện bởi giáo sư Julio Wainstein, thuộc chuyên khoa Bệnh tiểu đường, Trung tâm y tế Wolfson, Giáo sư Oren Froy, thuộc Đại học Do Thái Jerusalem và Giáo sư Bo Ahrén từ Đại học Lund ở Thụy Điển.
Nghiên cứu lâm sàng được thực hiện trên 22 bệnh nhân tiểu đường loại 2, tuổi trung bình là 57, với chỉ số khối cơ thể trung bình là 28,2.
Trong hai ngày, những người tham gia đã tiêu thụ chính xác cùng một lượng calo và cùng một bữa ăn cân bằng, gồm sữa, cá ngừ, bánh mì, và một thanh sô cô la - cho bữa trưa và bữa tối. Sự khác biệt duy nhất là một ngày họ ăn sáng và ngày thứ hai họ nhịn ăn cho đến bữa trưa.
Thật đáng ngạc nhiên khi kết quả cho thấy mức đường huyết đã tăng lên rất cao ở những người không ăn sáng.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những người tham gia đã tăng mức đường huyết lên mức gây sốc là 268 mg/dl sau bữa trưa và 298 mg/dl sau bữa tối vào những ngày bỏ bữa sáng, so với chỉ 192 mg/dl và 215 mg/dl sau khi ăn bữa trưa và bữa tối giống như vậy, nhưng có ăn sáng. Nghĩa là tăng gần 40%.
Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng một bữa sáng nhiều calo có thể ức chế lượng đường nguy hiểm trong máu trong suốt cả ngày.