Trong vài thập kỷ qua, các nhà khoa học đã chứng minh được rằng việc con người lạm dụng đồ uống có đường có khả năng mắc các chứng bệnh như béo phì hoặc tiểu đường, nhưng nghiên cứu về mối liên hệ giữa thức uống này với ung thư vẫn còn hạn chế.
Vì vậy, một nhóm các nhà nghiên cứu có trụ sở tại Pháp đã đánh giá mối liên quan giữa việc tiêu thụ đồ uống có đường (nước ngọt có ga và nước ép trái cây 100%), đồ uống có vị ngọt (dùng trong ăn kiêng) và nguy cơ ung thư nói chung, ví dụ như ung thư vú, tuyến tiền liệt và ung thư ruột (đại trực tràng).
Phát hiện của các nhà khoa học dựa vào 101.257 người Pháp khỏe mạnh (21% nam; 79% nữ) với độ tuổi trung bình 42 tuổi tại thời điểm đưa tiến hành nghiên cứu.
Những người tham gia đã hoàn thành ít nhất hai bảng câu hỏi về chế độ ăn kiêng được xác nhận trực tuyến trong 24 giờ và được thiết kế để đo lượng tiêu thụ thông thường của 3.300 mặt hàng thực phẩm và đồ uống khác nhau và được theo dõi trong tối đa 9 năm (2009-2018).
Theo kết quả, nam giới hàng ngày tiêu thụ nhiều đồ uống có đường hơn phụ nữ (90,3 mL so với 74,6 mL).
Kết quả cho thấy mức tiêu thụ đồ uống có đường trên 100 ml mỗi ngày có nguy cơ mắc các chứng ung thư thông thường lên tới 18%, trong khi nguy cơ mắc ung thư vú là 22%.
Ngược lại, việc tiêu thụ đồ uống có vị ngọt nhân tạo (dùng cho ăn kiêng) không liên quan đến nguy cơ ung thư.
Các nguyên nhân dẫn đến thực tế này có thể bao gồm tác dụng của đường có trong đồ uống có đường đối với chất béo nội tạng (được lưu trữ xung quanh gan và tuyến tụy), lượng đường trong máu và các dấu hiệu viêm.
Các hợp chất hóa học khác, chẳng hạn như chất phụ gia trong một số loại soda cũng có thể đóng vai trò gây nguy cơ ung thư.
"Những dữ liệu này có thể được sử dụng để khuyến cáo mọi người về việc tiêu thụ đồ uống có đường, cùng với đó giúp các nhà lập pháp ban hành chính sách như tăng thuế đối với các loại nước ngọt nhằm giảm thiểu tỷ lệ mắc ung thư", theo các nhà nghiên cứu.