Đại tướng Tô Lâm cho rằng, “tín dụng đen” là vấn đề bức xúc của xã hội, được nhiều đại biểu chất vấn và dư luận hết sức quan tâm. Bộ Công an đã nhiều lần báo cáo, đề ra nhiều giải pháp khắc phục tình trạng này, tham mưu Chính phủ ban hành Chỉ thị về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen".
Ông Tô Lâm cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2019, cơ quan công an đã khởi tố 436 vụ với 766 bị can liên quan đến “tín dụng đen”, bảo kê, đòi nợ thuê; khởi tố 214 vụ và hơn 900 bị can liên quan cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự. Lực lượng công an cũng áp dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ làm tan rã nhiều băng nhóm, cụ thể là khoảng 1.400 đường dây tổ chức cho vay nặng lãi, hoạt động “tín dụng đen”.
Bộ trưởng Công an khẳng định, do trấn áp mạnh nên loại hình tội phạm này đã được kiềm chế, giảm tính phức tạp so với trước đây, nhiều nơi các tổ chức liên quan “tín dụng đen” tự tạm dừng hoặc hoạt động cầm chừng. Người dân cũng cảnh giác hơn với hoạt động này. Mặc dù vậy, hoạt động này còn diễn ra phức tạp, có lúc còn gây lo lắng trong nhân dân.
Người đứng đầu ngành Công an cũng cảnh báo hoạt động cho vay qua mạng internet có chiều hướng biến tướng theo kiểu “tín dụng đen” và rất khó kiểm soát.
Đại tướng Tô Lâm khẳng định, thời gian tới vẫn tiếp tục duy trì tấn công trấn áp theo chương trình kế hoạch đã đề ra, không chùng xuống.
Về vấn đề có hay không sự bảo kê của lực lượng chức năng đối với hoạt động “tín dụng đen”, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết: Qua điều tra chưa phát hiện trường hợp nào.
Đại tướng Tô Lâm mong muốn nhân dân và đại biểu Quốc hội nếu biết vi phạm thì thông tin. “Chúng tôi sẽ làm rõ nếu có thông tin và sẽ xử lý nghiêm nếu có bảo kê hoặc có liên quan bảo kê, không có vùng cấm nào”, Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh.
Vụ xăng giả giải thích vì sao nhiều xe bốc cháy
Liên quan đến vụ "đại gia" Trịnh Sướng buôn xăng giả, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết: Doanh nghiệp này đã sản xuất nhiều năm, liên quan đến nhiều đối tượng, phạm vi cung cấp xăng giả thuộc nhiều tỉnh từ Nam, Trung, Bắc. "Qua vụ này cũng rút ra được nhiều nguyên nhân, như vì sao nhiều phương tiện bốc cháy khi đang đi trên đường", Bộ trưởng Tô Lâm nói.
Trả lời chất vấn của đại biểu về vấn đề hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, xăng dầu là mặt hàng trọng yếu nên Chính phủ có hàng loạt chỉ thị, Bộ cũng có chỉ đạo các Sở Công Thương, Quản lý Thị trường phối hợp kiểm tra để đảm bảo chất lượng.
Tuy vậy, từ vụ Trịnh Sướng có thể thấy sự phối hợp giữa các lực lượng còn chưa kịp thời, chưa hiệu quả, bên cạnh đó còn kẽ hở pháp luật nên quá trình kiểm tra chưa phát hiện được các hành vi vi phạm.
“Sau khi có kết luận của Công an về vụ việc này (vụ buôn xăng giả), chúng tôi cùng các lực lượng chức năng nghiên cứu rút kinh nghiệm, chấn chỉnh” – ông Trần Tuấn Anh nói.