Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường phát biểu như trên, tại cuộc họp ứng phó bão Goni sáng 2/11.
Theo ông, hoàn lưu mưa của bão rất rộng, các tỉnh miền Trung đang trong tình trạng rất dễ bị tổn thương. "Đất đã bão hòa nước, trên các dãy núi tích nhiều bọng nước, trận mưa từ 100 đến 200 mm cũng dễ gây lũ quét, sạt lở đất", ông Cường nói.
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, nói tính từ khi đổ bộ miền Trung Philippines đến nay, bão Goni đã giảm 9 cấp, trở thành cơn bão yếu nhưng vẫn rất khó dự báo.
"Yếu tố không khí lạnh phía Bắc có khả năng tăng cường độ bão. Tuy nhiên, khi đi qua quần đảo Hoàng Sa, gặp phải nhiệt độ mặt biển thấp, từ 26 đến 27 độ C lại có thể làm bão giảm cường độ", ông Khiêm nói và nhận định ngày mai bão sẽ tăng thêm một cấp sau đó tiếp tục giảm về cấp 8.
Đài khí tượng Nhật Bản và Hong Kong chung nhận định bão đi vào đất liền các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận ngày 5/11, với cấp 8. Còn đài Hải Quân Mỹ nhận định Goni đang ở cấp 10.
Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng phòng chống thiên tai, nhận định Goni là cơn bão có nhiều đặc điểm cần phải cảnh giác; đường đi của bão chưa định hình rõ, hoàn lưu kéo dài.
"Dù giảm cấp, Goni vẫn gây gió rất lớn trên biển, nguy cơ thiệt hại tàu thuyền. Thêm vào đó, ngư dân ở trên bờ lâu ngày, nóng lòng ra khơi và dễ chủ quan với bão nhỏ. Chưa kể sau bão Goi còn nhiều hình thế thời tiết nguy hiểm, có thể hình thành thêm hai cơn bão nữa", ông Hoài nói và cho hay hiện còn 1.225 tàu đang hoạt động trên biển.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại cuộc họp sáng 2/11. |
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các địa phương "không được chủ quan", phải theo dõi sát diễn biến bão Goni để điều chỉnh phương án ứng phó phù hợp.
Ông đề nghị các lực lượng chức năng rà soát, kiên quyết đưa tàu thuyền ra khỏi vùng ảnh hưởng bão; sơ tán người dân khu vực lồng bè, chòi canh ven biển, nơi nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, bão Goni sẽ gây gió cấp 8, sóng biển cao 5-7 m; khi bão đi vào ven bờ sóng khoảng 3-5 m.
Hoàn lưu bão kết hợp với không khí lạnh sẽ gây ra hai đợt mưa. Đợt thứ nhất, từ ngày 4 đến 6/10 ở Bình Định, Phú Yên, Bắc Tây Nguyên mưa 100 đến 200 mm; các tỉnh từ Huế đến Quảng Ngãi mưa 300 đến 400 mm.
Đợt mưa thứ hai, từ 5 đến 7/10, Nghệ An đến Quảng Trị mưa 150 đến 300 mm. Trên các sông ở Quảng Nam, Quảng Ngãi sẽ lên mức báo động 2 và báo động 3; nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp.