Trước thông tin Khánh Hoà ghi nhận 4 ca dương tính với virus Zika và sẽ công bố thông tin chính thức và chiều nay (30/3), PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã lên tiếng phủ nhận.
“Đến nay Việt Nam chưa ghi nhận bất kỳ trường hợp nào nhiễm Zika. Đây là thông tin thiếu kiểm chứng”, ông Phu khẳng định.
"Tin đồn có 4 người Khánh Hòa nhiễm virus Zika là sai sự thật. Hiện địa phương đang tập trung tầm soát, lấy mẫu các bệnh nhân nghi sốt huyết dạng nhẹ gửi Viện Pasteur Nha Trang phân tích, xét nghiệm" tiến sĩ Lê Tấn Phùng - Phó giám đốc Sở Y tế Khánh Hòa khẳng định với báo Zing news.
Ngành y tế Khánh Hòa cũng đã lập phương án phòng chống dịch bệnh Zika trình tỉnh duyệt với tổng kinh phí gần 3 tỷ đồng. Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cũng đã gửi văn bản yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường phát hiện sớm các ca bệnh nghi ngờ do virus Zika xâm nhập vào Việt Nam.
Theo thông tin từ Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, từ đầu năm 2016 đến ngày 30/3/2016, các Viện Vệ sinh Dịch tễ/Pasteur đã thu thập và xét nghiệm 784 mẫu tìm vi rút Zika tại 32 tỉnh, thành phố.
Kết quả tất cả đều âm tính với vi rút Zika. Như vậy, đến nay Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào xét nghiệm dương tính với vi rút Zika.
Cũng liên quan đến vấn đề này, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xác nhận, loại muỗi Aedes aegypti (muỗi vằn tự nhiên) mang tác nhân sinh học Wolbachia đang nuôi thử nghiệm tại đảo Trí Nguyên (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) không chỉ có khả năng loại trừ bệnh sốt xuất huyết mà còn có thể ức chế virus Zika.
Để chủ động phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika, Bộ Y tế khuyến cáo người dân phòng chống muỗi đốt, chủ động diệt muỗi và bọ gậy (loăng quăng); ngủ màn, mặc quần áo dài kể cả ban ngày, dùng kem xua muỗi, hương muỗi. Người dân nên dùng vợt bắt muỗi, xịt hóa chất diệt muỗi; tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hoá chất phòng, chống dịch. Loại bỏ bọ gậy (loăng quăng) bằng cách đậy kín dụng cụ chứa nước sinh hoạt, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ. Người đang sinh sống ở vùng có dịch bệnh hoặc đi, đến, về từ vùng dịch do vi rút Zika cần chủ động theo dõi sức khỏe, nếu có biểu hiện bệnh hãy đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị. Với người đi về từ vùng dịch, cần sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục hoặc không quan hệ tình dục với vợ, bạn tình trong ít nhất 28 ngày để phòng lây truyền vi rút Zika qua đường tình dục. Với phụ nữ có thai, hoặc dự định mang thai không nên đi đến vùng dịch khi không thực sự cần thiết. Đối với phụ nữ có thai tại vùng dịch, đi về từ vùng có dịch nếu có triệu chứng như sốt, phát ban hoặc các dấu hiệu khác của bệnh cần đến cơ sở y tế để chủ động khai báo về tiền sử đi lại và được khám, tư vấn. Phụ nữ mang thai 3 tháng đầu đang sinh sống hoặc đã từng đến vùng có dịch mà có sốt hoặc phát ban và có ít nhất một trong các triệu chứng như đau mỏi cơ, khớp, viêm kết mạc mắt cần xét nghiệm để phát hiện vi rút Zika. |
Nha Trang