Bộ Y tế vừa có băn bản gửi các đơn vị trực thuộc bộ, các chương trình, dự án chấn chỉnh, tăng cường năng lực và hiệu quả công tác đấu thầu, lựa chọn nhà thầu.
Theo đó, các đơn vị y tế phải rà soát, chấn chỉnh công tác lập hồ sơ mời thầu, bảo đảm tính công khai, minh bạch, tránh tình trạng đưa ra các yêu cầu, tiêu chí mang tính chất chủ quan, không bảo đảm sự cạnh tranh.
Theo Bộ Y tế, thời gian qua, các đơn vị y tế thực hiện việc đấu thầu, lựa chọn nhà thầu vẫn còn những thiếu sót, sai phạm trong công tác quản lý và tổ chức mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm y tế, kit xét nghiệm, vaccine, thuốc. Việc xây dựng và trình ban hành một số văn bản quy định về đấu thầu mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế còn bất cập, gây khó khăn, lúng túng cho chủ đầu tư, bên mời thầu và nhà thầu.
Bộ Y tế cho rằng nguyên nhân chính của tình trạng trên là sự bất cập trong một số quy định như không được mua, bán trang thiết bị y tế khi chưa có giá kê khai và không được mua, bán cao hơn giá kê khai trên cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế tại cùng thời điểm.
Trước tình hình đó, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị khi nhận hàng hóa nhập khẩu trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm... từ nhà thầu phải bảo đảm đúng danh mục, chủng loại, xuất xứ, hãng sản xuất, năm sản xuất, model, series và có kèm theo tài liệu hợp pháp theo các quy định của pháp luật hiện hành về đấu thầu, hồ sơ mời thầu và theo hợp đồng được ký kết giữa các bên để chứng minh tính hợp lệ của hàng hóa nhập khẩu như: giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), giấy chứng nhận chất lượng hàng hóa (C/Q), tờ khai hải quan, phiếu đóng gói (packing list), hoá đơn chứng từ (invoice), vận đơn (bill of lading), giấy chứng nhận phân tích (COA - Certificate of analysis)...
Đặc biệt, các đơn vị y tế phải rà soát, chấn chỉnh công tác lập hồ sơ mời thầu, bảo đảm tính công khai, minh bạch, tránh tình trạng đưa ra các yêu cầu, các tiêu chí mang tính chất chủ quan, không bảo đảm tính cạnh tranh, dẫn đến hạn chế sự tham gia của nhà thầu, hoặc tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu đã gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng.
Các đơn vị phải tập trung chấn chỉnh một số nội dung làm hạn chế sự tham gia của nhà thầu, hoặc tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu như: Hồ sơ mời thầu quy định tiêu chí mà pháp luật chuyên ngành không yêu cầu; hồ sơ mời thầu yêu cầu nhà thầu phải đệ trình danh sách công nhân lao động khi tham gia dự thầu; hồ sơ mời thầu yêu cầu hợp đồng tương tự là công trình của cơ quan nhà nước và tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội; phải sử dụng vốn ngân sách nhà nước; hồ sơ mời thầu yêu cầu nhà thầu chỉ được lấy vật tư, vật liệu xây dựng trên 1 địa bàn cụ thể; yêu cầu có biên bản khảo sát hiện trạng có xác nhận của chủ đầu tư đối với đấu thầu qua mạng…
Về giải pháp tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị tăng cường, đẩy mạnh việc công khai thông tin đầy đủ, chính xác và tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng trên hệ thống e-GP; tăng cường và đa dạng hóa công tác đào tạo, bồi dưỡng về chính sách pháp luật về đấu thầu lựa chọn nhà thầu.
Bộ Y tế yêu cầu tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, theo dõi về lựa chọn nhà thầu, đặc biệt với những gói thầu, dự án có ít nhà thầu tham gia dự thầu và có tỷ lệ tiết kiệm thấp; những trường hợp một nhà thầu trúng nhiều gói thầu tại một đơn vị, một chủ đầu tư, một bên mời thầu trong thời gian dài.
Bộ Y tế lưu ý khi phát hiện những trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì kịp thời có biện pháp xử lý theo đúng quy định của pháp luật; chấn chỉnh công tác lập và gửi báo cáo thường xuyên và báo cáo đột xuất, đặc biệt là báo cáo hằng năm theo yêu cầu của Bộ Kế hoạch Đầu tư.