Số lượng các ca chẩn đoán mắc HIV mới trong khu vực này tiếp tục tăng trong năm 2017, nhưng tốc độ hiện đang chậm lại, theo báo cáo từ Trung tâm phòng chống dịch bệnh châu Âu và Văn phòng khu vực châu Âu của WHO.
Tuy nhiên, gần 160.000 người mới được chẩn đoán mắc virus HIV tại châu Âu vào năm 2017. Trong đó, hơn 130.000 người được chẩn đoán đến từ khu vực các nước Đông Âu.
Cụ thể, tỷ lệ người nhiễm HIV tại Đông Âu là 51,1/100.000 người, đây là con số là "cao hơn rất nhiều" so với khu vực Tây Âu, tỷ lệ chỉ là 6,4/100.000 người, báo cáo cho biết. Tỷ lệ của Trung Âu là 3,2/100.000 người.
Nga là nước Đông Âu có tỷ lệ mắc HIV cao nhất, với 71/100.000 người trong năm 2017, tiếp theo là Ukraine và Belarus.
Kết quả là, khu vực này không thể đáp ứng mục tiêu "90-90-90" (có nghĩa là 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm của mình; 90% người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng HIV (ARV), 90% số người đang được điều trị có tải lượng HIV ở mức thấp) vào năm 2020, mục tiêu được đưa ra bởi WHO và Chương trình Liên hợp quốc về HIV / AIDS.
"90-90-90" là một phần của Mục tiêu phát triển bền vững loại bỏ HIV ở châu Âu và trên toàn thế giới vào năm 2030.
“Chúng tôi còn cách những mục tiêu này rất xa, đặc biệt là ở Đông Âu và Trung Á. Điều quan trọng trong báo cáo này là chúng ta có thể thấy sự khác biệt rõ rệt giữa Đông Âu và các nước EU - nơi số lượng các ca nhiễm HIV đang giảm", Tiến sĩ Masoud Dara, điều phối viên các bệnh truyền nhiễm và HIV tại WHO Châu Âu, cho biết.
Để đạt được mục tiêu, các ca nhiễm mới sẽ cần phải giảm 78% vào năm 2020, báo cáo cho biết.
Trong ba thập kỷ qua, hơn 2,32 triệu người đã được chẩn đoán nhiễm HIV ở châu Âu. Theo WHO, 36,9 triệu người đang sống chung với HIV trên toàn cầu vào năm 2017. Châu Phi, nơi mà số người ước tính nhiễm HIV là 25,7 triệu người, bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Cải thiện xét nghiệm HIV
Tiến sĩ Dara cho biết có nhiều yếu tố đằng sau tỷ lệ nhiễm HIV ở Đông Âu và yếu tố quan trọng nhất là sự thiếu phòng ngừa.
"Điều quan trọng nhất là để đảm bảo rằng những người tiêm chích ma túy, người bán dâm và quan hệ tình dục đồng giới có biện pháp phòng ngừa tại chỗ tốt. Đối với người tiêm chích ma túy, họ cần phải có các chương trình trao đổi kim rõ ràng. Chúng ta không có nhiều chương trình này ở các nước Đông Âu như tại Tây Âu, xét nghiệm nhanh và điều trị cần được tiến hành tại chỗ.
Điều trị đã được chứng minh là một cách phòng ngừa và nó giúp ngăn chặn virus lây nhiễm sang người khác", Tiến sĩ Dara nói.
Sử dụng ma túy bằng kim tiêm và quan hệ tình dục khác giới là những cách phổ biến nhất gây nhiễm HIV ở khu vực Đông Âu, báo cáo cho biết. Trong khi đó tại các nước Tây và Bắc Âu, quan hệ tình dục đồng giới lại là phước thức lây nhiễm HIV chủ yếu.
Trong một tuyên bố, Giám đốc khu vực châu Âu của WHO - Zsuzsanna Jakab, kêu gọi các chính phủ "tăng cường phản ứng ngay bây giờ".
Tuyên bố kêu gọi các chính phủ thực hiện điều này bằng cách "điều chỉnh các biện pháp can thiệp cho những người có nguy cơ lây nhiễm cao nhất" và đầu tư vào phòng ngừa, xét nghiệm và điều trị.
Ai cũng có nguy cơ lây nhiễm
Tiến sĩ Anton Pozniak - Chủ tịch của Hiệp hội AIDS Quốc tế, cho biết cần phải tập trung vào việc loại bỏ sự kỳ thị đối với người mắc HIV.
"Các chính sách làm giảm sự kỳ thị và phân biệt đối xử trong xã hội là cần thiết khi tăng ngân sách cho việc phòng ngừa và kiểm tra.
Ở phía đông, đặc biệt là ở Nga, sự thay đổi từ chính sách tiến bộ sang pháp luật bảo thủ xã hội là rào cản đối với việc thực hiện phòng ngừa và điều trị HIV", ông Pozniak nói trong một tuyên bố.
"Không ai nên nghĩ mình sẽ không bao giờ bị nhiễm HIV. Điều đó rất quan trọng và chúng ta phải đảm bảo rằng mọi người đến kiểm tra ở mọi cấp độ", theo Tiến sĩ Dara.
Ông Pozniak nhắc lại rằng có thể có sự thay đổi ở những người bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi HIV ở Nga.
"Những người tiêm chích ma túy chiếm tỷ lệ lớn nhất các ca lây nhiễm mới với 48,8%, nhưng quan hệ tình dục khác giới có thể sớm vượt qua tiêm chích ma túy như là phương thức chính gây lây lan HIV", Tiến sĩ Pozniak nhận định.