Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhận định, loại trừ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con là “thành tích đáng chú ý” của Thái Lan và nước này đã “chứng minh với thế giới rằng HIV có thể bị đánh bại”.
Cho tới nay, Thái Lan là quốc gia thứ hai trên thế giới, sau Cuba, có thể loại chống truyền nhiễm HIV từ mẹ sang con theo đúng tiêu chuẩn của WHO.
WHO cho rằng, việc kiểm soát thường xuyên và phát thuốc miễn phí cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV ở Thái Lan là yếu tố quan trọng giúp nước này thành công trong việc ngăn chặn virus lây lan sang thế hệ sau.
Nếu không được điều trị, khả năng truyền virus HIV sang cho con của các bà mẹ nhiễm HIV là từ 15 tới 45% trong quá trình họ mang thai, sinh con hoặc cho con bú. Việc dùng thuốc kháng virus trong thời kỳ mang thai làm giảm đáng kể nguy cơ này, với tỷ lệ chỉ còn hơn 1%.
Thái Lan là quốc gia châu Á đầu tiên thành công khi ngăn HIV lây truyền từ mẹ sang con. Ảnh: AFP
Năm 2000, Thái Lan trở thành một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới cung cấp thuốc kháng virus miễn phí cho tất cả các phụ nữ mang thai nhiễm HIV. Khám sàng lọc virus trong thời kỳ mang thai cũng trở thành thói quen, thậm chí ở hầu hết các vùng sâu vùng xa của đất nước.
Theo số liệu của chính phủ Thái Lan, số trẻ sinh ra bị nhiễm HIV đã giảm từ 1.000 bé năm 2000 xuống còn 5 trường hợp vào năm ngoái. Tuy nhiên, Liên Hợp Quốc ước tính 500.000 người Thái Lan hiện nhiễm virus HIV, trong khi tỷ lệ lây nhiễm tăng nhẹ ở quốc gia này những năm gần đây, đặc biệt là ở nam giới đồng tính.
HIV là Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải gây ra bệnh AIDS. Virus HIV làm cho bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch nên dễ mắc các nhiễm trùng cơ hội gây tử vong như ung thư, viêm phổi, lao... Hiện nay bệnh chưa có thuốc đặc trị nên được xem là "bản án tử" đối với người nhiễm.
Mỗi năm, 1,4 triệu phụ nữ nhiễm HIV trên thế giới được phát hiện có thai. Số trẻ em sinh ra có HIV là 400.000 bé vào năm 2009. Đến năm 2013, số lượng đã giảm xuống còn 240.000 trường hợp.
Theo Zing.Vn