Liên tục xả trạm
Sau khi bắt đầu thu phí trở lại, một nhóm tài xế đi từ hướng TP.HCM về miền Tây, khi đến trạm BOT Cai Lậy các tài xế này đưa 25.100 đồng và yêu cầu trả đủ tiền thừa. Đồng thời, tài xế bấm còi inh ỏi. Do lượng xe đổ về mỗi lúc một đông nên trạm BOT Cai Lậy phải tiếp tục xả trạm để tránh ùn tắc giao thông rồi sau đó thu phí trở lại, trong ngày có gần cả chục lần buộc phải xả trạm.
Một tài xế điều khiển xe ô tô 4 chỗ biển kiểm soát 63A – 05XXX lưu thông đến trạm BOT Cai Lậy thì dừng xe lại mua vé mức giá 25 ngàn đồng. Tuy nhiên, anh này trả tiền với mệnh giá từ 200 – 500 đồng và yêu cầu nhân viên trạm thối lại 100 đồng. Hai bên đôi co qua lại khoảng 10 phút thì nhân viên đã có 100 đồng thối lại cho anh này. Tuy nhiên, vụ việc đã làm tắc nghẽn giao thông buộc trạm phải xả. Xả được 5 phút thì trạm bắt đầu thu lại. Lúc này, một chiếc taxi di chuyển vào làn đường để đóng tiền thì bỗng nhiên đột ngột chết máy. Người dân 2 bên đường reo hò về sự cố bất ngờ trên. Sợ kẹt xe tiếp nên lực lượng bảo vệ đã xuống đường đẩy chiếc taxi này ra khỏi trạm. Mặc dù chỉ dừng vài phút nhưng đã khiến làn đường này bị ùn ứ và trạm lại xả cửa, rồi thu lại vài phút sau đó.
Đến khoảng 12 giờ 30 phút ngày 2/12, tài xế Trịnh Xuân Hiệp (38 tuổi) điều khiển xe đầu kéo container dừng xe ngay trạm thu phí nhưng không mua vé. Tài xế Hiệp liên tục tỏ thái độ bức xúc trước việc thu phí. Đồng thời, anh yêu cầu các nhân viên của trạm phải giải thích việc số tiền 17 triệu đồng đóng tiền bảo trì đường bộ hàng năm đi về đâu? Sao giờ lại thu phí người dân? Khi được các nhân viên mời ra bên ngoài giải đáp thắc mắc, anh Hiệp không chịu mà yêu cầu giải quyết tại chỗ. Chiếc xe đầu kéo dừng ở trạm hơn 15 phút đã gây ùn ứ giao thông nghiêm trọng. Lúc này, nhiều tài xế khác và người dân hai bên đường liên tục cổ vũ, đòi xả trạm. Trước áp lực đó, BOT Cai Lậy lại cho xả trạm. Sau khi xả khoảng 10 phút, BOT Cai Lậy đã cho thu phí trở lại. Lúc này, tài xế một chiếc xe chở khách đi từ Cần Thơ lên TP.HCM tưởng đang xả trạm nên cho xe vượt qua, bất ngờ thanh chắn trạm thu phí bật xuống, vì thế buộc tài xế phải thắng gấp làm hai bà cháu trên xe bị va đập vào đầu. Thấy vậy, các tài xế và người dân xung quanh bức xúc, yêu cầu phải xả trạm, ngay sau đó một tài xế đã tông luôn xe vào thanh chắn để vượt trạm.
Cần phải di dời
Trái ngược với cảnh tượng vào sáng ngày 30/11, sáng 2/12 tại khu vực trạm BOT Cai Lậy, lực lượng công an, CSGT, Cảnh sát cơ động, xe cứu hộ không xuất hiện. Lãnh đạo một trạm CSGT cho biết, đơn vị không còn nhận được lệnh điều động hỗ trợ tại BOT Cai Lậy như hôm trước, mà chỉ có lực lượng thanh tra giao thông vẫn ngồi ở một vị trí gần khu vực trạm để sẵn sàng xử lý những vấn đề liên quan đến tải trọng.
Luật sư Phan Đăng Hữu, Đoàn Luật sư TP Cần Thơ cho biết, theo quy định, việc sử dụng đồng tiền Việt Nam để giao dịch thì không vi phạm pháp luật và trường hợp các tài xế sử dụng tiền lẻ ở trạm BOT Cai Lậy cũng vậy. Hơn nữa, các đồng tiền mệnh giá 100 đồng, 200 đồng,… hiện tại Ngân hàng nhà nước Việt Nam vẫn đang lưu hành. Nếu như người dân đã tuân thủ mà vẫn bắt giữ họ là vi phạm pháp luật. Trường hợp biên bản vi phạm hành chính không đúng thì tài xế có quyền khởi kiện.
TS Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia JICA (Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản) cho rằng việc giải quyết không dứt điểm quyền lợi của các bên đã dẫn đến tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Theo TS Đức, nếu Bộ GTVT và các cơ quan chức năng không giải quyết thì sẽ đẩy tình hình thêm căng thẳng. Việc phản đối sẽ lan rộng ra nhiều dự án BOT khác, không còn là vấn đề của Cai Lậy nữa. TS Đức cho rằng, xảy ra sự việc là do bản chất của vấn đề chưa được giải quyết. Trạm BOT Cai Lậy đặt sai vị trí và cần phải di dời.