Sáng 13/7, UBND huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng đã báo cáo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh này về bức tượng được phát hiện tại ấp Phước Thuận, xã Phú Tân.
Công an cũng đã đến chùa Bốn Mặt - nơi đang lưu giữ bức tượng - để phối hợp nhắc nhở người dân hiếu kỳ, tránh xảy ra tình trạng mê tín.
Ông Ngô Thanh Toàn, Phó chủ tịch UBND huyện Châu Thành, cho biết bức tượng này được đơn vị thi công dự án khu du lịch văn hóa tâm linh gần chùa Bốn Mặt đào lên từ Giếng Tiên. Công nhân nghĩ rằng đây là tượng bình thường nên đưa đi tập kết ngoài ruộng cùng với bùn đất.
Chiều 11/7, nhóm trẻ em phát hiện bức tượng nằm lộ thiên sau một thời gian bùn đất bị nước mưa xói mòn. Sau đó, một gia đình đưa pho tượng vào nhà thắp hương thờ cúng. Tối hôm đó, trụ trì chùa Bốn Mặt đã vận động gia chủ đưa tượng trở lại chùa.
Bức tượng này cao khoảng 1 m, phần đầu, thân còn khá nguyên vẹn, tứ chi cụt. Thân tượng màu nâu chưa xác định được niên đại, nguồn gốc.
“UBND huyện đã báo cáo Sở Văn hóa để nơi đây cho các phòng chuyên môn phối hợp với ngành chức năng để thẩm định tượng. Theo đánh giá sơ bộ, đây là bức tượng thuộc phái Nam tông, chứ không phải vua”, ông Toàn nói với Zing.
Bức tượng cụt phần chân và tay. |
Trong khi đó, Tiến sĩ Trịnh Công Lý, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Sóc Trăng, cho biết sáng 13/7, ông đã đến chùa Bốn Mặt để tìm hiểu về pho tượng.
Theo nhà khoa học này, giả thuyết cao nhất là tượng thần bảo hộ Vishnu - một trong các vị thần quan trọng nhất của đạo Hindu (Ấn Độ giáo). Vishnu cùng với Shiva và Brahma tạo nên bộ ba các vị thần lớn, gọi là Tam vị.
“Thần Vishnu thuộc Ấn Độ giáo. Tuy nhiên, đây chỉ mới là giả thuyết, cần phải có sự tham gia của các nhà khảo cổ học mới xác định rõ là tượng của vị thần nào”, tiến sĩ Lý chia sẽ với Zing.