Trong báo cáo giám sát ngân hàng 2022 được công bố mới đây, Ngân hàng quốc gia Campuchia (NBC)
đánh giá: "Xu hướng sử dụng dịch vụ thanh toán đang tăng rõ rệt trong bối cảnh người tiêu dùng thay đổi hành vi chuyển từ sử dụng tiền mặt sang thanh toán số".
Báo cáo cho biết số lượng tài khoản ví điện tử được đăng ký tăng lên 19,5 triệu và tổng số giao dịch tăng từ 708 triệu lên 1 tỷ với tổng số tiền giao dịch đạt 272,8 tỷ USD, tăng 34%, tương đương xấp xỉ gấp 9 lần Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Theo báo cáo, 35 tổ chức dịch vụ thanh toán (PSI) đã được cấp phép và 2 tổ chức tài chính và ngân hàng (BFI) đã được phép vận hành các mảng thanh toán vào cuối năm 2022. Nhìn chung, các sản phẩm và dịch vụ do các tổ chức này cung cấp là dưới hình thức thanh toán kỹ thuật số có thể được thực hiện qua các ứng dụng trên điện thoại di động hoặc tại các đại lý thanh toán hay các mạng khác nhau.
Báo cáo nhấn mạnh việc sử dụng công nghệ tài chính được tích hợp vào các dịch vụ thanh toán là yếu tố để tăng cường tài chính toàn diện, thúc đẩy cạnh tranh, đổi mới sáng tạo và thúc đẩy niềm tin của người dân vào việc sử dụng các dịch vụ thanh toán.
Giám đốc điều hành Ngân hàng Bưu điện Campuchia, ông Toch Chaochek ngày 25/5 cho biết các dịch vụ thanh toán bằng điện thoại di động đã tăng mạnh trong vài năm qua do đại dịch COVID-19. Ông nhận định:"Kể từ sau đại dịch, chúng tôi nhận thấy ngày càng có nhiều người chuyển sang sử dụng thanh toán số trong cuộc sống hằng ngày, trong khi nhiều tổ chức tài chính đang cải thiện hệ thống thanh toán số của mình". Ông Chaochek cũng cho biết đã có hơn 200.000 tài khoản ví điện tử đăng ký tại Ngân hàng Bưu điện Campuchia.