Theo BS. Hoàng Công Tình - BVĐK tỉnh Hòa Bình, hiện tại sau 3 ngày điều trị, hai cháu nhỏ (gồm một cháu 3 tuổi, một cháu 8 tuổi) đã ổn định sức khoẻ, đang được gia đình theo dõi và chăm sóc ở nhà.
Riêng hai vợ chồng là bố mẹ của các cháu, vẫn đang phải điều trị trong bệnh viện, các triệu chứng ngộ độc đã giảm. Người chồng có triệu chứng nặng hơn do có số ngày tiếp xúc nhiều hơn với máy xông tinh dầu đuổi muỗi. Các bác sĩ vẫn đang theo dõi sát các dấu hiệu lâm sàng và cận lâm sàng của bệnh nhân.
Phía gia đình bệnh nhân cho biết, khoảng 10 ngày trước có mua một bộ máy xông tinh dầu đuổi muỗi về đặt ở chỗ bán hàng tầng một ngôi nhà (nơi người chồng thường xuyên bán hàng). Loại tinh dầu có nhãn hiệu nước ngoài, không có chữ tiếng Việt.
Cách đây 3 ngày, gia đình mang máy xông tinh dầu này cắm trong phòng ngủ ở tầng 2 ngôi nhà. Sáng hôm sau ngủ dậy, tất cả 4 thành viên trong gia đình đều có dấu hiệu mệt mỏi, đau đầu và nôn. Người chồng có triệu chứng nặng hơn so với các thành viên còn lại. Các bệnh nhân được nhập Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình cấp cứu.
Trước sự việc này, PGS.TS. Nguyễn Thị Liên Hương (Trường Đại học Dược Hà Nội) cho hay, tinh dầu là một dạng chất lỏng chứa các hợp chất thơm dễ bay hơi được chiết xuất bằng cách chưng cất hơi nước hoặc ép lạnh, từ lá cây; thân cây; hoa; vỏ cây; rễ cây; hoặc những bộ phận khác của thực vật.
Tinh dầu đã được sử dụng từ hàng nghìn năm nay, được nghiên cứu phát triển trong các liệu pháp hương thơm trị liệu hoặc các liệu pháp điều trị bằng các chất tự nhiên giúp giảm căng thẳng, lo lắng, đau đầu, mất ngủ… Bên cạnh đó tinh dầu còn được ứng dụng rộng rãi trong mỹ phẩm, trong các sản phẩm đuổi côn trùng, sát khuẩn…
Do nguồn gốc tự nhiên, nếu sử dụng ở nồng độ phù hợp, tinh dầu có độ an toàn cao. Tuy nhiên, PGS.TS. Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh, việc sử dụng tinh dầu không đúng cách vẫn có thể gây ra các phản ứng có hại cho con người như gây dị ứng, gây co thắt phế quản, gây viêm da thậm chí làm bỏng da, niêm mạc… nghiêm trọng hơn có thể gây ra các phản ứng có hại đe doạ tính mạng như ức chế hô hấp, ức chế thần kinh trung ương, loạn nhịp tim…
Phản ứng có hại của tinh dầu có thể liên quan đến thành phần hoá học của loại tinh dầu đó hoặc liên quan đến sử dụng sai cách như tuỳ tiện sử dụng đường uống, bôi trực tiếp tinh dầu đậm dặc trên da hoặc sử dụng nồng độ quá cao qua đường hô hấp…
Theo PGS.TS. Nguyễn Thị Liên Hương, nguy hiểm hơn là sự pha trộn của các chất hoá học giả tinh dầu tự nhiên. Điều này cũng có thể làm gia tăng phản ứng có hại trên người. Việc sử dụng những hương liệu có chứa các hóa chất này trong thời gian dài có thể gây nguy hiểm cho người dùng, làm tổn thương não, nhức đầu, mờ mắt, thiếu máu...
"Phản ứng có hại cũng nặng nề hơn khi sử dụng cho một số đối tượng nhạy cảm như trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ có thai… Vì vậy, việc sử dụng tinh dầu không hoàn toàn vô hại và đặc biệt nên thận trọng trên một số đối tượng nhạy cảm" - Chuyên gia Dược học cảnh báo.