Theo các hộ dân, con rạch Bình Thọ dài khoảng 2 km bắt nguồn ở quận 9, chảy từ ngã tư Bình Thái rồi qua quận Thủ Đức trước khi đổ vào sông Sài Gòn. Khu vực này thường ít bị ảnh hưởng bởi thủy triều, điều này chứng tỏ rạch bị ô nhiễm là do nguồn thải dọc con kênh chứ không phải nguồn nước sông cuối con rạch lan tỏa ra.
Hơn 10 năm qua, người dân đã phải sống chung với lũ, tự mình quen với mùi hôi của rác thải, mùi nồng nặc của hóa học và sự biến đổi màu sắc như cầu vồng đáng ngại của con rạch. Mỗi khi thấy có người lạ đến quan sát con rạch là người dân lại hy vọng những người này đến để giải quyết vấn đề. Họ thường lại gần hỏi han và nói: “Con rạch này nếu không được giải quyết sau này cả khu sẽ trở thành làng ung thư mất!”.
Ông NHH, một người dân sống kế bên rạch Bình Thọ, phản ánh: “Tôi sống ở đây đã 30 năm nên có thể chứng kiến được sự thay đổi chóng mặt của rạch Bình Thọ. Thời điểm mới tới ở, chúng tôi có thể trồng rau muống, bắt cá dưới rạch để ăn nhưng nay thì không có một con gì sống sót nổi. Hơn 10 năm trở lại đây, vấn đề ô nhiễm của rạch Bình Thọ bùng lên và cứ dai dẳng mãi. Không biết nước chảy dưới rạch là nước gì mà nhìn đã cảm thấy rất độc hại, khi thì đen ngòm, có khi chuyển sang màu xanh, màu đỏ, màu bạc đục ngầu…, có khi một đoạn kênh có tới mấy dải màu khác nhau. Người dân ai lỡ lội xuống thì về chân tay sẽ lở loét hết”.
Người dân lo ngại khi sống gần con kênh liên tục đổi màu. |
Trao đổi với chúng tôi, đại diện UBND phường Trường Thọ, quận Thủ Đức cho biết: “Rạch Bình Thọ thuộc phường Trường Thọ liên thông với quận 9. Nguồn gây ô nhiễm rạch chủ yếu do các đơn vị sản xuất dệt nhuộm đóng trên địa bàn quận 9 và nước thải sinh hoạt của các hộ dân. Từ đó, nước thường xuyên bị nhuộm màu, bốc mùi hôi, ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của người dân trên địa bàn phường.
Qua hai đợt phối hợp kiểm tra với Chi cục Bảo vệ môi trường TP ghi nhận 11 đơn vị sản xuất trên địa bàn quận Thủ Đức có xả thải xuống rạch Bình Thọ đều có hệ thống xử lý nước thải sản xuất. Nước thải này đạt quy chuẩn theo quy định trước khi xả thải ra môi trường. Tuy nhiên, kết quả phân tích chất lượng nước mặt tại khu vực rạch thì có một số chỉ tiêu vượt quy chuẩn cho phép trung bình. Từ đó, Sở TN&MT đã có Báo cáo số 3305/TNMT-CCBVMT về tình hình ô nhiễm kênh rạch trên địa bàn quận Thủ Đức. Cụ thể, rạch Bình Thọ ô nhiễm xuất phát từ lượng nước thải sản xuất và sinh hoạt của các công ty, xí nghiệp trên địa bàn phường Phước Long B, quận 9. Sở đã yêu cầu các công ty phải thực hiện các giải pháp xử lý nước thải không gây ô nhiễm môi trường”.
Tuy nhiên, đến nay tình trạng ô nhiễm khu vực rạch Bình Thọ vẫn tiếp tục diễn biến gây bức xúc cho người dân trong khu vực. Trực tiếp ảnh hưởng là các hộ dân thuộc khu phố 5, 6, 7, 8, 9, phường Trường Thọ. Từ đó UBND phường đã đề nghị Sở TN&MT TP.HCM thường xuyên kiểm tra các đơn vị hoạt động sản xuất trên địa bàn quận 9 có nước xả thải xuống rạch và giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm.
Theo Pháp Luật TP.HCM