Các xu hướng chuyển đổi của doanh nghiệp sau đại dịch

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) -  Một trong những bài học quan trọng được rút ra từ đại dịch COVID-19 đối với các doanh nghiệp trong thời gian tới là sự sẵn sàng và có khả năng thích nghi nhanh chóng trước sự thay đổi của hoàn cảnh.
Các xu hướng chuyển đổi của doanh nghiệp sau đại dịch

Bài phân tích trên báo The Business Times nhận định, dịch viêm đường hô hấp COVID-19 là một trong những cuộc khủng hoảng y tế công lớn nhất thế giới trong hơn một thế kỷ. Không giống như các cuộc khủng hoảng kinh tế khác, quy mô đóng cửa trên toàn xã hội – từ cửa hàng, trường học và nhà hàng cho đến các nhà máy và văn phòng – là chưa từng có, trong khi việc đi lại giữa các quốc gia trên thế giới cũng bị hạn chế theo những cách thức mà chúng ta chưa từng trải qua trước đây.

Mặc dù đã xuất hiện tin tức tích cực về vaccine phòng COVID-19, nhiều quốc gia vẫn chưa thể dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa vì diễn biến dịch bệnh còn phức tạp, điều này đặt ra câu hỏi về tác động dài hạn của COVID-19 đối với các nền kinh tế và các thị trường sẽ như thế nào.

Tình hình hiện nay cho thấy sự phục hồi từ dịch COVID-19 sẽ khác nhau giữa các nước và các khu vực. Sẽ mất nhiều thời gian các nước mới quay trở lại được trạng thái trước khi dịch bệnh xảy ra. Điều này được thể hiện rõ ở Trung Quốc, nơi nền kinh tế có sự phục hồi nhanh ban đầu nhưng vẫn phải mất nhiều thời gian mới trở lại mức trước khủng hoảng.

Sự phục hồi cũng có khả năng không đồng đều giữa các lĩnh vực, với các ngành chịu tác động nặng nề như hàng không, đi lại và giải trí giờ đây khó có thể theo kịp các lĩnh vực “chiến thắng trong dịch bệnh” như chăm sóc sức khỏe và công nghệ. Ngay cả khi các nền kinh tế mở cửa trở lại một cách phù hợp, người dân có thể vẫn miễn cưỡng trở lại văn phòng, cửa hàng và rạp chiếu phim với số lượng như trước kia. Điều này sẽ dẫn đến những thay đổi dài hạn hơn đối với nền kinh tế.

Bởi vậy, một trong những bài học quan trọng được rút ra từ đại dịch COVID-19 đối với các doanh nghiệp trong thời gian tới là tầm quan trọng của sự sẵn sàng và có khả năng thích nghi nhanh chóng trước sự thay đổi của hoàn cảnh.

Một số công ty đã lập kế hoạch duy trì kinh doanh không bị gián đoạn trong thời kỳ xảy ra thiên tai hay khủng bố đã áp dụng chúng rất thành công trong thời kỳ bùng phát dịch bệnh. Tương tự, một số doanh nghiệp đã khéo léo lấy đại dịch toàn cầu này như một động lực để cải tiến các mô hình kinh doanh của họ, chẳng hạn như chuyển các dịch vụ của họ sang hình thức trực tuyến, hay thay đổi cách thức làm việc bằng việc đưa ra hình thức làm việc linh hoạt hơn hay thậm chí chuyển hoàn toàn sang làm việc từ xa.

Không chỉ về tính liên tục của hoạt động kinh doanh, sự thay đổi căn bản còn được nhận thấy trong cách thức kinh doanh – kiểu quan hệ giữa ông chủ và nhân viên, hay giữa doanh nghiệp và khách hàng. Các doanh nghiệp cũng đang phải tính toán lại các hoạt động và mô hình của họ.

Ví dụ, các công ty có thể sẽ trở nên thận trọng hơn trong cách thức họ quản lý bảng cân đối kế toán của mình. Cũng có thể có sự chú trọng nhiều hơn vào vấn đề chăm sóc sức khỏe và lợi ích của người lao động cũng như tăng thuế đối với một số đối tượng cá nhân – sự tái cân bằng giữa lao động và nguồn vốn. Cải cách cơ cấu sẽ là cần thiết và có khả năng các cổ đông sẽ phải chi trả cho việc đó.

Mặt khác, do ảnh hưởng của đại dịch, các biện pháp kích thích kinh tế được ngân hàng trung ương và các chính phủ triển khai cũng là chưa từng có. Như chúng ta đã chứng kiến trong thập kỷ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, rất khó có thể rút lại các gói kích thích. Do các biện pháp đối phó về tiền tệ và tài khóa của các nước đối với COVID-19 chưa bằng mức chúng ta đã chứng kiến năm 2008, nên khả năng cao là các chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện biện pháp can thiệp mạnh hơn.

Sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu sau dịch COVID-19 sẽ không giống như giai đoạn trải qua sau Chiến tranh Thế giới thứ hai vốn được đánh dấu bằng nhiều thập kỷ tăng trưởng về lực lượng lao động và năng suất. Thế giới sẽ có những mức thâm hụt ngân sách khổng lồ mà khó có thể bù đắp, và điều đó sẽ kéo căng các nguồn lực của chính phủ theo những cách thức mà chúng ta chưa từng thấy.

Toàn cầu hóa cũng trở thành một câu hỏi lớn. Khi dịch bệnh bắt đầu xảy ra, sự phụ thuộc vào Trung Quốc đã được coi là một rủi ro. Trên thực tế, các nước trên thế giới cuối cùng đã phải đối mặt với những thách thức lớn hơn. Tuy nhiên, điều này đã đẩy nhanh xu hướng "hồi hương" các ngành chiến lược như y tế và có thể là quốc phòng.

Dịch COVID-19 cũng làm tăng sự chú ý đối với các vấn đề môi trường, xã hội và quản trị (ESG). Các nhà đầu tư và công chúng đã có cái nhìn khác nhau về cách thức các công ty có thể giải quyết những khó khăn mà dịch bệnh đặt ra.

Những mối lo ngại này tập trung xung quanh vấn đề quản trị, thậm chí sẽ còn xuất hiện nhiều hơn khi các công ty tiếp tục đối phó với cuộc khủng hoảng này. Trong khi đó, các vấn đề môi trường sẽ bị xếp vào vị trí kém quan trọng hơn trong ngắn hạn khi các công ty tìm cách đứng vững trở lại.

Theo Bnews
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.