Mụn trứng cá thông thường (mụn sần, mụn mủ, mụn đầu đen, mụn đầu trắng) là loại bệnh lý về da phổ biến nhất ở các nước phát triển. Bệnh thường gặp ở độ tuổi dậy thì, xuất hiện cùng lúc với sự thay đổi hóc-môn trong cơ thể và có thể kéo dài đến độ tuổi trưởng thành.
Khoảng 80 - 90% thanh niên bị ảnh hưởng bởi mụn trứng cá ở các mức độ khác nhau, và có đến 20 - 30% trong số đó cần được hỗ trợ bởi các liệu pháp y học. Số lượng người trưởng thành bị mụn trứng cá cũng ngày càng gia tăng, đặc biệt là ở phụ nữ.
Mụn trứng cá thường xuất hiện ở da nhờn, kèm theo đó là nổi mụn comedones (đầu đen hoặc trắng) ở vùng mặt và thông thường còn có thể xuất hiện ở cổ, vai, ngực và lưng.
Trong các trường hợp bị mụn vừa và nặng, da trở nên ửng đỏ với sự phát triển của các nốt sần gây viêm nhiễm và mụn mủ. Mụn có thể khiến tâm lí căng thẳng, khó chịu kéo dài đồng thời có thể dẫn đến vết thâm (PIH) hoặc để lại sẹo.
Nếu bạn nặn trứng cá sai cách sẽ vô tình làm da bạn bị tổn thương và để lại những vết sẹo, vết thâm không mong muốn, thậm chí là rỗ mặt, ảnh hưởng đến thẩm mỹ sau này. (Ảnh minh họa).
Nhiều bạn có thói quen xấu là khi bị mụn thường cho tay lên mặt sờ vào các nốt mụn, hay cố gắng nặn mụn. Như vậy sẽ chỉ càng làm cho các nốt mụn trở nên nghiêm trọng hơn, hơn nữa việc nặn mụn không đúng cách rất dễ để lại sẹo hay các vết thâm trên da.
Bạn nặn khi mụn còn quá non, cố tình nặn, nặn bằng những dụng cụ không vệ sinh… tất cả những điều này vô tình làm da bạn bị tổn thương và để lại những vết sẹo, vết thâm không mong muốn, thậm chí là rỗ mặt, ảnh hưởng đến thẩm mỹ sau này.
Bởi vậy bạn cần tuân thủ đúng những nguyên tắc khi nặn mụn trứng cá dưới đây:
1. Xông hơi da mặt
Đầu tiên, bạn nên xông hơi da mặt. Việc này sẽ làm mở rộng lỗ chân lông, giải phóng một phần chất độc có trong đó ra ngoài.
Nên xông hơi khoảng 10 – 15 phút rồi rửa lại bằng nước ấm. Nếu bạn không có thời gian thì có thể đắp một chiếc khăn thấm nước đủ ấm lên mặt trong trong vài phút.
2. Rửa tay thật sạch
Bạn cần phải rửa tay thật sạch trước khi nặn mụn. Đây là bước không thể thiếu bởi nếu rửa tay sạch trước khi nặn mụn bọc bạn sẽ hạn chế tối đa vi khuẩn xâm nhập vào da, không gây nhiễm trùng và tổn thương vùng da bị mụn.
3. Sử dụng gạc thấm
Bạn nên dùng gạc thấm quấn quanh ngón tay để đảm bảo an toàn vệ sinh.
4. Nặn nhẹ nhàng
Hãy ấn nhẹ từ mọi phía, đảm bảo lực dồn về phía trung tâm mụn, nên nặn nhẹ để tránh bị sẹo.
5. Kháng khuẩn
Sau khi nặn mụn bạn có thể đắp ngay mặt nạ nếu muốn da sạch hoàn toàn. Nếu đắp mặt nạ trị mụn, bạn nên dùng mặt nạ tự nhiên để không bị dị ứng da.
Hoặc bạn có thể dùng một số loại kem bôi ngoài da dành cho da mụn ngay lúc này.
6. Chăm sóc da
Bạn có thể đặt một cục đá lên mụn vài phút để giảm vết đỏ và se lỗ chân lông. Thoa nghệ tươi hoặc nha đam, mật ong lên chỗ mụn đã nặn để vết thương liền nhanh và không để lại sẹo.
Và quan trọng nhất là bạn cần phải luôn giữ cho da thật sạch nhé!
Quỳnh Mai