Dư luận đang xôn xao trước thông tin sự việc, cháu P.T.T. (2 tuổi), là con trai của anh Phạm Thanh Sơn (trú ở tổ 14, phường Đồng Mai, quận Hà Đông, TP. Hà Nội) bị hóc dị vật trong cổ họng, tử vong, gia đình cho rằng các bác sĩ bệnh viện Đa khoa Chương Mỹ tắc trách vào chiều ngày 11/3. Đặc biệt, sau khi nghe về sự việc nhiều bậc phụ huynh lo sợ nếu con em mình rơi vào tình huống tương tự sẽ không biết xử lý như thế nào?
Để giúp độc giả hiểu rõ hơn về việc phát hiện sớm cũng nhử cách xử trí đúng dị vật đường thở ở trẻ em, nhất là cần biết khi nào nên áp dụng (hoặc không nên) các biện pháp vỗ lưng, ấn bụng (hoặc Heimlich), Pv Ngày Nay Online đã có cuộc trao đổi với Bác sĩ Lương Quốc Chính – Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).
Trẻ em bị mắc dị vật đường thở nếu không được phát hiện và xử trí đúng, kịp thời sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng. (Ảnh minh họa).
Theo ý kiến của bác sĩ Lương Quốc Chính, có hai loại nghẹt thở ở trẻ em: Thứ nhất: Nghẹt thở không hoàn toàn (khóc, ho hoặc nói được; Thở khò khè, khó nhọc hoặc hổn hển, có chút khí thở qua miệng; Hoảng hốt, vật vã).
Thứ hai: Nghẹt thở hoàn toàn (nắm chặt cổ họng; không thể khóc hoặc ho được, không nói được; thay đổi màu sắc da, đỏ ửng hoặc xanh tím).
Trong trường hợp: Nếu trẻ bị mắc dị vật và còn tỉnh (còn có thể khóc, ho hoặc nói được;) thì, không áp dụng vỗ lưng hoặc ấn ngực, đẩy bụng mà các bậc phụ huynh nên trấn an trẻ, khuyến khích trẻ ho hoặc thể hiện bằng động tác cách ho cho trẻ; đặc biệt không móc họng trẻ để lấy dị vật ra, hãy theo dõi sát trẻ.
Trong trường hợp: Nếu trẻ còn tỉnh (không thể khóc, ho, hoặc nói được (trẻ nhỏ dưới 2 tháng tuổi), không móc họng trẻ lấy dị vật, nên tiến hành 5 lần vỗ lưng liên tiếp; 5 lần ấn ngực; luân phiên giữa 5 lần ấn ngực vỗ lưng và 5 lần ấn ngực cho tới khi trẻ khóc ho được… (Riêng trẻ nhỏ tập đi, trẻ trên 1 tuổi, thì không móc họng trẻ lấy dị vật ra; cần tiến hành 5 lần vỗ lưng liên tiếp; thực hiện 5 lần đẩy bụng; luân phiên giữa 5 lần vỗ lưng và 5 lần đẩy bụng cho tới khi trẻ khóc hoặc ho được…).
Đối với kỹ thuật vỗ lưng (trẻ nhỏ dưới 2 tháng tuổi): Nên đặt một bàn tay dưới lưng trẻ, ôm lấy lưng và giữ đầu; Tay còn lại đặt dọc phía trước trẻ; nắm chắc lấy hàm; Nhẹ nhàng lật sấp trẻ, tựa tay đặt phía trước trẻ lên đùi, đầu trẻ thấp; thực hiện 5 lần vỗ lưng tại vị trí giữa 2 vai trẻ.
Còn kỹ thuật ấn ngực: Đặt một tay dọc và ôm lấy lưng trẻ, đầu trẻ nằm trong bàn tay; nhẹ nhàng lật ngử trẻ, tay đặt phía trước ép chặt phía trước trẻ; hạ thấp và tựa tay đỡ lưng trẻ xuống đùi, đầu trẻ thấp; thực hiện 5 lần ấn ngực…
Với kỹ thuật hồi sinh tim phổi (trẻ nhỏ dưới 2 tháng tuổi); kiểm tra miệng trẻ để tìm dị vật; mở đường thở (ngửa đầu và nâng cằm trẻ); kiểm tra nhịp tim ( nghe tiếng thở, cảm nhận hơi thở; ngực trẻ phồng lên và xẹp xuống theo nhịp thở).
Tiến hành thổi ngạt 2 lần (trẻ ngừng thở, trùm miệng bạn lên miệng và mũi trẻ; thổi ngạt nhẹ nhàng 2 lần, mỗi lần kéo dài 1 giây, tạm dừng giữa 2 lần thổi để khí thoát ra); ép ngực 30 lần (Đẻ trẻ nằm ngửa; dùng 2-3 ngón tay ấn xuống trung tâm ngực thành ngực lún 3,8cm; nhịp độ ấn ngực 100 lần/phút; ép ngực/thổi ngạt =30/2).
Riêng kỹ thuật hồi sinh tim phổi khi trẻ nhỏ ở tuổi tập đi, trẻ trên 1 tuổi, thì thổi ngạt 2 lần nếu ngừng thở; ép ngực 30 lần; luân phiên giữa 2 lần thổi ngạt và 30 lần ép ngực (Nếu không thể lấy được dị vật trong đường thở cần mở khí quản qua màng nhẫn giáp cấp cứu.
Một số điểm lưu ý:
I. Cho dù sặc dị vật do bất cứ nguyên nhân gì (không nên cố gắng phân biệt tắc nghẽn đường thở do loại dị vật gì), điều quan trọng là bạn phải nhận biết được:
1. Tắc nghẽn đường thở không hoàn toàn.
2. Tắc nghẽn đường thở hoàn toàn.
II. Phải đánh giá được hay đánh giá đúng 4 tình huống có thể xảy ra:
1. Trẻ còn tỉnh, còn có thể khóc, ho hoặc nói được.
2. Trẻ còn tỉnh, không thể khóc, ho hoặc nói được.
3. Trẻ bất tỉnh hoặc ngừng tuần hoàn, lồng ngực không phồng lên khi thổi ngạt.
4. Trẻ bất tỉnh hoặc ngừng tuần hoàn, lồng ngực có phồng lên khi thổi ngạt.
III. Các kỹ thuật sơ cấp cứu:
1. Vỗ lưng, ấn ngực và đẩy bụng (hoặc nghiệm pháp Heimlich với trẻ lớn và người lớn).
2. Kỹ thuật hồi sinh tim phổi.
3. Mở khí quản cấp cứu qua màng nhẫn giáp (thường do nhân viên y tế thực hiện).
Mạnh Hưng