Mới đây, một bé trai 2 tuổi ở Bình Thuận đang nằm võng chơi dưới gốc cây thì bị một con rắn hổ mèo rơi xuống cắn, khiến bé mê man rồi lịm dần. Thay vì đưa con đến bệnh viện, người nhà đã đưa bé đến thầy lang để chữa trị. Một ngày sau, sức khỏe của bé yếu dần nên mới đưa đến bệnh viện nhưng đã quá muộn, mọi phương pháp cứu chữa cho bé đều không có tác dụng.
Nạn nhân được đưa đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP HCM) trong tình trạng chất độc đã làm tổn thương đa cơ quan nội tạng, trong đó nghiêm trọng nhất là chứng suy gan, thận cấp.
Theo người nhà của nạn nhân, bé đang nằm trên võng với bố, chiếc võng mắc dưới gốc cây ở cạnh nhà, thì bất ngờ con rắn từ trên cây rơi trúng người bé rồi ngoạm vào chân. Bố bé đập chết con rắn và phát hiện đây là loại rắn hổ mèo.
Cách sơ cứu khi bị rắn cắn và hướng xử trí:
Trong bất kì trường hợp bị rắn thường hay rắn độc cắn thì nạn nhân cũng phải giữ được bình tĩnh, không được hoảng sợ, cử động chân tay đặc biệt vùng bị cắn. Vì khi hoạt động sẽ làm cho chất độc đi vào trong cơ thể và lây lan nhanh, rất nguy hiểm.
Cố định chân tay nhưng không được hạn chế sự lưu thông của máu. Nới lỏng quần áo của nạn nhân và nếu cần thiết có thể cởi các đồ trang sức (nhẫn, vòng) ở vùng bị cắn.
Không nên băng garo sau khi bị rắn cắn vì: Thứ nhất cột chặt có thể làm máu không đến được vị trí đã bị buộc khiến phần này dễ hoại tử. Thứ hai, khi đến bệnh viện, bác sĩ tháo băng garo ra thì chất độc sẽ cùng lúc ùa về tim khiến bệnh nhân vào cơn sốc. Bệnh nhân có thể tử vong lập tức.
Cách tốt nhất sau khi bị rắn cắn là rửa sạch vết thương, băng quấn kín vết thương bình thường để không tạo áp suất và gây bầm tím, hoặc băng nẹp giống như khi gãy chân tay.
Trong khi vận chuyển nạn nhân đi cấp cứu nên để vùng bị cắn thấp hơn vị trí của tim, nếu ở chân, tay thì có thể để thõng tay hoặc chân.
Hô hấp nhân tạo nếu nạn nhân bị suy hô hấp. |
Cần phải theo dõi sát tình trạng hô hấp của bệnh nhân, nếu bệnh nhân thở nhanh > 30 lần/phút, yếu, hoặc xuất hiện tím môi phải hô hấp nhân tạo ngay. Vì nguyên nhân tử vong hàng đầu là suy hô hấp do liệt cơ hô hấp, nên nếu không được hô hấp nhân tạo kịp thời, có thể bệnh nhân sẽ chết trước khi đến được bệnh viện.
Nếu bệnh nhân bị hoại tử: Rửa sạch bằng nước muối sinh lý, dùng gạc sạch đậy lên, băng lại, rồi chuyển đi bệnh viện.
Đưa nạn nhân đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Nếu bệnh nhân còn tỉnh táo, cần đưa đến bệnh viện lớn, nơi có sẵn huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu, vì huyết thanh kháng nọc rắn nên dùng sớm, tốt nhất trong 4 giờ đầu. Tuy nhiên nếu bệnh nhân lơ mơ, hôn mê hay yếu liệt nên đưa đến cơ sở y tế gần nhất. Có thể mang theo con rắn đã cắn bệnh nhân đến cơ sở y tế để bác sĩ xác định thuốc kháng nọc rắn phù hợp.
Bất cứ trường hợp nào bị rắn cắn, ngay cả khi xác định là rắn lành, đều cần xử trí và theo dõi tại bệnh viện như trường hợp rắn độc cắn, ít nhất trong 12 giờ đầu. Nếu trễ sau 24-48 giờ, việc điều trị hiệu quả rất kém hoặc không hiệu quả.
Ngoài ra, bệnh nhân bị rắn cắn tuyệt đối không được đắp đá, chườm lạnh và tuyệt đối không bôi hóa chất, thuốc, lá cây… lên vết cắn.
Hoàng Thúy (t/h)
>>> Xem thêm:
Cách sử dụng lá trà xanh giúp bé trị rôm sẩy vào những ngày hè nóng bức