Nhóm đã khuyên trung sĩ Byun Hee-soo nên suy nghĩ kỹ trước khi đưa ra quyết định, trong bối cảnh tại Hàn Quốc, vấn đề về giới tính bị cho là vẫn còn khá bảo thủ. Cộng đồng LGBTQ tại nước này thường bị xã hội xem như khiếm khuyết, và bị các nhà bảo thủ quyền lực coi là tội lỗi. Hàn Quốc cũng không có luật chống phân biệt đối xử trong nước.
Nhưng Byun đã cảm thấy phiền muộn về giới tính của mình trong nhiều năm, và vẫn quyết định tiếp tục tiến hành cuộc phẫu thuật chuyển đổi giới tính (từ nam sang nữ) ở Thái Lan 5 tháng sau đó. Byun trở thành người lính chuyển giới đầu tiên của Hàn Quốc khi đang tại ngũ.
Quyết định đi theo tiếng gọi của trái tim này cuối cùng đã khiến cô phải trả giá bằng ước mơ phục vụ quân đội từ những năm cấp hai. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc xác định việc Byun loại bỏ bộ phận sinh dục nam chính là dấu hiệu của “khiếm khuyết về thể chất”, và buộc Byun giải ngũ vào năm 2020.
Sau khi bị bác đơn kháng cáo, Byun tiếp tục đệ đơn kiện vào tháng 8/2020 để được trở lại quân đội. Nhưng ngay trước khi tòa án mở phiên điều trần đầu tiên vào tuần này, Byun được phát hiện đã chết tại nhà riêng vào tháng trước trong một vụ tự sát rõ ràng.
Cái chết của cô đã làm dấy lên một làn sóng thương cảm và những ý kiến trái chiều đối với việc xã hội Hàn Quốc nên nhìn nhận và đối xử với người chuyển giới cũng như các nhóm thiểu số tính dục khác như thế nào. Giới phê bình gọi cái chết của Byun là một "vụ giết người xã hội", sự dồn ép và phân biệt khiến nhóm thiểu số tính dục "không có chỗ để thở".
Chiếc ô với màu sắc đại diện cho cộng đồng người chuyển giới tại nơi họp báo ở Quảng trường Trung tâm Seoul vào ngày 27/3/2021, nhân Ngày Quốc tế Người chuyển giới 31/3. (Ảnh: Yonhap) |
Giám đốc Botong của Trung tâm Hỗ trợ Khủng hoảng Thanh niên LGBTQ phát biểu: "Tôi luôn cảm giác có một một bức tường lớn ngăn cách trước mặt. Đó không phải là một bức tường mới được tạo ra vào năm ngoái. Bức tường đã ở đó từ rất lâu rồi. Nhưng tôi nghĩ rằng những vết nứt đang dần xuất hiện. Khi Byun đứng trước máy quay vào năm ngoái, đó là một trong những khoảnh khắc đáng nhớ."
Cái chết của Byun không chấm dứt vụ kiện của cô, tòa án cho phép gia đình cô tiếp quản nguyên đơn với tư cách là người thừa kế số tiền lương chưa được nhận từ quân đội. Tòa án quận Daejeon, có thẩm quyền đối với trụ sở Quân đội gần thành phố trung tâm, vẫn tiến hành phiên điều trần đầu tiên.
Cuộc biểu tình trước Tòa thị chính Seoul vào ngày 8/3/2021, để tưởng nhớ người lính chuyển giới đầu tiên được biết đến của Hàn Quốc Byun Hee-soo, người được tìm thấy đã chết tại nhà riêng ở trung tâm thành phố Cheongju tuần trước đó (Ảnh: Yonhap) |
Những người ủng hộ Byun đã bày tỏ sự thất vọng vì thiếu phản hồi từ chính phủ và giới chính trị. Một số chính trị gia đã tham dự lễ tang của Byun, các nhà lập pháp bày tỏ sự ủng hộ của họ đối với cô. Nhóm ủng hộ nhận định: “Nhưng họ không thúc đẩy thực hiện thay đổi thể chế hoặc bắt đầu một cuộc thảo luận chính sách rất cần thiết.”
Giám đốc Botong khẳng định: "Bày tỏ lời chia buồn là chưa đủ".
Giáo sư Ha Tae-hoon tại Trường Đại học Luật Hàn Quốc chỉ trích cơ quan tư pháp đã không kịp thời mở vụ án khi Byun còn sống, đồng thời nhấn mạnh rằng "không nên xem vấn đề nhân quyền như một vấn đề của Đảng Bảo thủ hay Tự do."
Trong một cuộc họp báo đẫm nước mắt được tổ chức sau quyết định của quân đội vào tháng 1/2020, Byun cho biết cô muốn hoàn thành nghĩa vụ của mình.
"Quân đội mà tôi luôn muốn được phục vụ đang có nhiều sự tiến bộ cải cách trong việc tôn trọng nhân quyền," Byun phát biểu trong bộ quân phục. "Tôi muốn cho mọi người thấy rằng tôi có thể là một trong những thành viên phục vụ tuyệt vời và bảo vệ đất nước này bất kể bản dạng giới của mình."
Và Byun đã bị trục xuất vào ngày hôm sau.
Theo một nghiên cứu gần đây do Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Hàn Quốc công bố, 65% người chuyển giới ở Hàn Quốc cho biết họ bị phân biệt đối xử do bản dạng giới của mình. Nghiên cứu được thực hiện trên 591 người chuyển giới từ 19 tuổi trở lên trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 11/2020.
Tất cả nam giới Hàn Quốc có thân hình cân đối, khỏe mạnh đều phải thực hiện nghĩa vụ quân sự bắt buộc trong khoảng hai năm. Byun là một hạ sĩ quan tình nguyện gia nhập Quân đội để trở thành một người lính binh nghiệp.
Các chuyên gia nhân quyền quốc tế phối hợp với Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã tuyên bố trong một bức thư chung rằng việc sa thải Byun là vi phạm quyền được làm việc và chống phân biệt đối xử dựa trên bản dạng giới theo Luật Nhân quyền Quốc tế.
Đáp lại, phía Hàn Quốc cho biết việc cho phép người chuyển giới phục vụ trong quân đội là một vấn đề chính sách đòi hỏi phải xem xét từ các lĩnh vực cần quan tâm rộng rãi, bao gồm các tác động đối với yêu cầu sẵn sàng chiến đấu bắt nguồn từ tình hình an ninh với Triều Tiên.
Quân đội dường như đang chờ cơ quan tư pháp đưa ra quyết định cuối, trong khi công chúng đang chia rẽ trong vấn đề này. Trong một phiên họp quốc hội vào tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng Suh Wook cho biết chưa có nghiên cứu nào do của Bộ về vấn đề lính chuyển giới: “Tôi nghĩ rằng đã đến lúc chúng ta phải làm.”
Nhóm ủng hộ Byun chia sẻ về sự ra đi của Byun: “Byun dũng cảm, can đảm và là một người tuyệt vời, cô ấy nghiêm túc với bản thân hơn bất kỳ ai khác, nhưng đôi khi cô ấy cảm lo lắng, mệt mỏi và yếu lòng. Không ai có thể luôn sáng suốt và dũng cảm mọi lúc. Không ai như vậy".
"Tôi muốn cho mọi người thấy rằng tôi có thể là một trong những thành viên phục vụ tuyệt vời và bảo vệ đất nước này bất kể bản dạng giới của mình." |
Họ khẳng định: "Chúng tôi sẽ ghi nhớ sự dũng cảm và nỗi buồn của Byun và tiến thêm một bước từ nơi cô ấy dừng lại.”