Chiều 11/3, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội Vũ Văn Viện đã trả lời báo chí về việc hạn chế, tiến tới cấm xe máy khu vực nội thành vào năm 2030. Để thực hiện mục tiêu đó, thành phố nghiên cứu thí điểm trước tại một số khu vực, tuyến đường có đủ điều kiện cơ sở, hạ tầng. Theo đó, hai tuyến đường Nguyễn Trãi hoặc Lê Văn Lương được chọn để thí điểm cấm xe máy.
Quyết định này ngay lập tức nhận được sự quan tâm, tranh luận của dư luận trong đó đa số ý kiến người dân tỏ ra đồng tình với quyết định này. Tuy nhiên, để thử nghiệm này đạt được kết quả tốt nhất thì Sở GTVT và các ban, ngành liên quan cần có thêm những giải pháp để xử lý nhu cầu di chuyển của người dân qua tuyến đường trên. "Ví dụ chúng tôi đang lựa chọn thí điểm dừng hoạt động xe máy tại tuyến đường Lê Văn Lương hoặc Nguyễn Trãi – Hà Đông sau khi đưa tuyến đường sắt 2A (Cát Linh - Hà Đông) đi vào hoạt động", ông Viện cho hay.
Về vấn đề này, TS. Nghiêm Xuân Đạt, Phó Chủ tịch - Hiệp hội môi trường đô thị và khu công nghiệp Việt Nam cho biết: “Muốn cấm xe máy ở đường Nguyễn Trãi hay Lê Văn Lương thì phải đặt ra câu hỏi: Phân luồng các phương tiện này đi ra đường nào? Vì đây là hai tuyến đường trục chính chạy từ ngoại thành đi vào TP.Hà Nội áp lực giao thông là rất lớn, người lao động cũng chủ yếu là sống ở khu vực quận Hà Đông.
Nhiều chuyên gia bày tỏ sự e ngại về tính khả thi của việc cấm xe máy vào nội thành Hà Nội |
Theo TS. Đạt, thường thì phải phát triển các tuyến đường song song để cấm xe máy 1 đường và dành 1 đường cho xe máy. Tuyến đường cấp xe máy phải có giao thông công cộng, điểm đỗ taxi, xe buýt ra sao? Có kết nối được với xe điện, đường sắt trên cao không? Hà Nội không thể nói cấm xe máy là cấm ngay được. Đồng thời, phải tuyên truyền rộng rãi tới người dân để người dân biết được các phương án đó, thời gian cấm và tuyến đường cấm.
Còn TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, Đây là một nỗ lực trong việc giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông của Sở GTVT Hà Nội tuy nhiên vẫn cần có thời gian để thử nghiệm kèm theo đó là sự hướng dẫn cho người dân làm quen với việc sử dụng các phương tiện giao thông sao cho phù hợp nhất. Muốn làm được điều này thì việc sắp xếp các bãi đỗ xe cho người dân là vấn đề cần xử lý ngay bởi đối với người dân ở Hà Nội thì có bãi đỗ xe, còn nếu người dân ở tỉnh lẻ lên làm việc hay đi chơi thì làm sao biết được bãi đỗ xe ở đâu? Tuyến đường nào bị hạn chế, cấm phương tiện, việc này phải rõ ràng. Cùng với đó là thu phí như thế nào?
Cùng bàn về vấn đề này, TS Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia giao thông từng làm cho một tổ chức tư vấn quốc tế lớn, tham vấn cho nhiều dự án giao thông của Hà Nội, cho hay chính sách hạn chế phương tiện cá nhân đã đề cập gần chục năm nay, nhưng vẫn chưa thấy khả thi.
“Sự cần thiết của chủ trương này ai cũng thấy rõ, tôi cũng rất ủng hộ. Nhưng đề xuất của Hà Nội đang dừng ở mức mong muốn nhiều hơn, hiệu quả phải căn cứ vào điều kiện thực tiễn của Hà Nội. Câu hỏi đơn giản nhất là cấm thì người dân đi lại bằng gì, nếu không trả lời được thì không thể cấm nổi xe máy”, ông Đức nói, và cho rằng “nếu có chủ trương cấm từ cách đây 30 năm khi xe máy chưa bùng nổ mới thực hiện được, còn như hiện nay thả gà ra để bắt thì cấm rất khó”.
Lộ trình cấm xe máy vào năm 2030
Theo Sở GTVT TP.Hà Nội, lộ trình cụ thể để thực hiện đề án này gồm 3 giai đoạn: Giai đoạn 2017-2018: Tập trung thực hiện các giải pháp về quản lý phương tiện tham gia giao thông và tăng cường công tác quản lý nhà nước về GTVT.
Giai đoạn 2017-2020: Tập trung thực hiện các giải pháp về quản lý số lượng, chất lượng phương tiện tham gia giao thông và phát triển vận tải hành khách công cộng. Áp dụng giải pháp hạn chế phương tiện cá nhân theo ngày chẵn, lẻ đối với những khu vực, tuyến phố ùn tắc thường xuyên, nghiêm trọng.
Giai đoạn 2017-2030: Từng bước hạn chế hoạt động trên một số khu vực và thời gian, đồng thời chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đến năm 2030 dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận.