Một kỹ sư ngành chế tạo máy bay người Ukraina vừa công bố một phương thức mới để đảm bảo an toàn mức tối đa cho các hành khách trong những trường hợp khẩn cấp.
Mô phỏng chiếc máy bay có thể tách rời cabin. (Ảnh: YouTube)
Chiếc máy bay này có bộ phận cabin có thể tách rời. Trong thời gian cất cánh, hạ cánh và cả lúc đang bay, nếu gặp bất trắc, phần cabin này có thể tự tách ra và an toàn hạ cánh trên mặt đất hay mặt nước, đảm bảo mạng sống cho toàn bộ hành khách trên cabin.
“Khả năng sống sót sau một tai nạn máy bay là hoàn toàn có thể. Chúng ta đang nghĩ sai về thảm họa hàng không, bởi có khoảng 80% tai nạn xảy ra do lỗi con người. Trong khi giới kỹ sư máy bay trên toàn thế giới đang cố gắng tạo ra những chiếc máy bay có độ an toàn cao hơn so với trước đây thì họ chẳng thể làm gì được vì lỗi do con người gây ra”, kỹ sư hàng không người Ukraina Vladimir Tatarenko nói. Ông là người đã điều hành việc thiết dự án máy bay này trong suốt 3 năm qua, trang tin Independent cho biết.
Phần cabin tách rời. (Ảnh: YouTube)
Những chiếc dù được gắn vào nóc cabin sẽ bung ra ngay sau khi cabin tách ra khỏi các bộ phận khác của máy bay. Ngoài ra còn có các ống cao su được thổi phồng để làm giảm tác động khi tiếp đất cùng với thiết bị bơm hơi để giữ cho cabin nổi trên mặt biển.
“Công nghệ sử dụng sợi Kevlar và sợi carbon tổng hợp sẽ được sử dụng trong chế tạo thân, cánh, tấm lái, đuôi và cánh nhỏ của máy bay. Chúng sẽ giúp bù một phần trọng lượng của hệ thống dù”, ông Tatarenko giải thích.
Bên cạnh đó, thiết kế của chiếc máy bay đặc biệt này sẽ chừa ra một khoảng không gian trống phía bên dưới cabin để cất giữ hành lý của hành khách. Vì vậy, nếu máy bay gặp tai nạn và phần cabin tách ra thì chúng ta sẽ không bị mất hành lý.
Mô phỏng cơ chế hoạt động của máy bay. (Nguồn: YouTube)
Ý tưởng này được đánh giá là hình mẫu lý tưởng cho máy bay trong tương lai, tuy vậy, một số người vẫn cảm thấy dự án này có đôi phần hơi thiếu thực tế khi chưa tính đến một số trường hợp khác nhau khi gặp tai nạn.
Đơn cử như việc địa hình mà cabin sẽ rơi xuống khi gặp tai nạn. Nếu đó là một vách núi thì e rằng cabin này sẽ khó lòng đảm bảo được an toàn cho hành khách và phi hành đoàn.
Một chuyên gia khác đưa ra nhận định: “Phần khung máy bay sẽ bị yếu bởi cần phải kết nối thân và các bộ phận khác của máy bay bằng các khớp nối để thành một chiếc máy bay hoàn chỉnh”.
Tuy nhiên, một khảo sát nhỏ được tiến hành đối với những người thường xuyên đi máy bay cho thấy 95% trong số đó sẵn sàng bỏ ra nhiều tiền hơn để được ngồi trên một chiếc máy bay an toàn như vậy.
Ông Tatarenko và bản vẽ ống cứu sinh.
Đây không phải là thiết kế đầu tiên được thực hiện bởi ông Tatarenko. Năm ngoái, ông đã nhận bằng sáng chế cho hệ thống ống cứu sinh cứu nạn máy bay trong trường hợp khẩn cấp.
Danh Tuyên (theo Daily Mail)