Vất vả nuôi con
Ngồi một mình trên chiếc giường bằng gỗ trong căn nhà ở ấp Đông Lân, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn (TP.HCM), tay cầm chiếc nón vành con trai tặng, ông Trần Văn Tri (SN 1954, cha của Phúc và Tài) không giấu được nỗi u sầu khi nhắc về 2 người con đang vướng vòng lao lý. Ông nhiều lần thở dài khi kể lại những nốt thăng trầm từ thời trai trẻ cho đến tuổi về già, về những lần làm ăn thua lỗ cùng Phúc.
Rời quê Đồng Tháp lên Sài Gòn năm 1972 để mưu sinh bằng nghề lơ xe khách. Số phận sắp đặt để ông Tri gặp vợ và có với nhau 4 mặt con, Tài là út còn Phúc là con thứ 3 trong gia đình, sau 2 chị gái.
Những năm 1998-1999, ông Tri đưa con trai lớn lên Đà Lạt buôn rau củ, khi đó Phúc khoảng 16-17 tuổi. Thời đó, buôn bán các loại thực phẩm này không có lời nên hai cha con chuyển sang chạy xe bồn, xe cẩu một thời gian dài. Trong quá trình đi làm, ông Tri quan sát thấy vài người buôn bán dầu ăn có lời nên học lỏm. Dần dà, ông biết được bí quyết và nhìn thấy tiềm năng của dầu ăn nên chuyển hẳn sang kinh doanh mặt hàng này.
Ban đầu, ông Tri cùng Phúc tìm mua dầu tại các đại lý lớn rồi mang đi bỏ mối ở quán xá khắp thành phố, mỗi lít gia đình ông lời khoảng 6.000 đồng. "Thời đó 6.000 đồng lớn lắm", ông Tri nói. Việc mua đi bán lại của ông Tri cứ diễn ra như thế mãi đến năm 2016, sau khi bàn bạc với con, người đàn ông này quyết định xin giấy phép kinh doanh để thành lập công ty riêng, chuyên phân phối dầu ăn.
Thay vì lấy dầu từ các đại lý, ông Tri tìm cách liên hệ và ký hợp đồng trực tiếp với các công ty sản xuất dầu ăn có tiếng, còn Phúc lúc này đã có đủ kinh nghiệm nên tìm đầu ra cho sản phẩm. Từ đây, gia đình ông phất lên, giàu có. Cũng trong quãng thời gian này, Phúc dành dụm được một số tiền kha khá nên quyết định xin cha ra ngoài lập nghiệp.
Con đi tù, cha mẹ cô quạnh tuổi xế chiều
"Đường làm ăn của nó cũng vất vả dữ lắm, làm rồi thất bại, rồi lại làm và thất bại. Nhưng mà nó là thằng giỏi kinh doanh", ông Tri chia sẻ về đường sự nghiệp của con trai. Đầu tiên, Phúc mở một tiệm massage cá nhỏ ở gần cầu Tham Lương (quận 12), thu nhập thời gian đầu khoảng 5-6 triệu/ngày. Tuy nhiên, khách ngày càng vắng nên Phúc phải đóng cửa, chuyển sang kinh doanh quán cà phê chồn nhưng tiếp tục thua lỗ phải trả mặt bằng.
Căn nhà chỉ còn 2 vợ chồng già nương tựa lẫn nhau. Ảnh: Trần Anh Ngọc |
"Không biết nó suy nghĩ thế nào mà quyết định mở quán karaoke. Lúc đầu nó thuê có 2 tầng lầu trong căn nhà 6 tầng để mở 5 phòng hát. Lấy ngắn nuôi dài, cứ có lời nó mở thêm 1 phòng, dần dần thuê luôn cả căn nhà để làm karaoke. Giá thuê ở đó cao lắm, hơn 200 triệu/tháng mà nó cũng làm được thì là nó giỏi", ông Tri tỏ vẻ tự hào khi nói về Phúc.
Phúc XO hiện đang chấp hành bản án 12 năm tù giam trong vụ chứa chấp sử dụng ma túy, tàng trữ trái phép chất ma túy, không tố giác tội phạm xảy ra tại quán karaoke XO Pharaon (ở phường Tân Thới Nhất, quận 12). Phúc là quản lý quán karaoke, có vai trò cao nhất trong vụ án nên lãnh mức án kịch khung. Cơ quan chức năng xác định Phúc và đồng phạm cho thuê địa điểm để nhiều người đến hát karaoke và sử dụng ma túy. Khi công an kiểm tra phát hiện 19 khách dương tính với ma túy.
Nhưng phút chốc, người cha già lại tỏ ra chạnh lòng khi nhắc đến bản án 12 năm tù của con: "Mình nói nó oan thì không phải, nhưng tội của nó là không hiểu biết. Vì nó ít học nên có biết chứa chấp ma túy là cái gì đâu. Từ nhỏ đến giờ, tứ đổ tường nó còn không dính thứ nào hết mà. Nhưng nó là chủ nên phải chịu trách nhiệm cao nhất là đúng rồi, còn em nó - thằng Tài 4 năm là phù hợp. Buồn thì buồn nhưng vẫn phải chấp nhận vì vi phạm pháp luật mà".
Nói rồi ông Tri chợt im lặng nhìn vào chiếc nón vành Phúc tặng, thở dài: "Giờ 2 con gái có gia đình ở riêng, Phúc với Tài thì chấp hành án phạt tù, chỉ còn 2 vợ chồng già nương tựa lẫn nhau". Ở cái tuổi xế chiều, vào thăm con trong trại, lần nào ông Tri cũng nghẹn lòng khi nghe 2 con trai nhắn nhủ cha mẹ cố gắng giữ gìn sức khỏe và hứa học tập cải tạo tốt để sớm trở về với gia đình, riêng Phúc còn về với vợ và 2 con thơ.
Ông Tri cho biết vừa trả giấy phép kinh doanh công ty dầu ăn vì không có người phụ để xin giấy phép phân phối thức ăn gia súc, gia cầm tự mình làm để lo cho 2 vợ chồng khi không còn các con bên cạnh. Bây giờ, mỗi sáng, ông Tri phải lái xe tải đi các tỉnh miền Tây thu mua mỡ cá mang lên bán lại cho các cơ sở sản xuất kiếm lời.
"Tiền bạc thì không phải lo nhiều, vì mấy chục năm qua cũng dành dụm được một ít. Nhưng mình già rồi, còn bà xã thì mang bệnh trong người không biết có còn sống đến lúc thằng Phúc nó ra không nữa? Thôi thì cứ sống tốt, lâu lâu con cháu qua thăm hoặc mình tự vô thăm thằng Phúc thằng Tài cho đỡ nhớ chứ cũng không còn cách nào khác hơn...", người cha già bỏ lửng câu chuyện.
Bài 3: Một thuở phù phiếm