Giang hồ ảo mặc áo lưu manh
Nhắc đến giang hồ sống ảo, phải nhắc đến Phú Lê – gã giang hồ đang là bị can trong vụ án “Cố ý gây thương tích”, vào đầu tháng 8 này. Một vụ án khiến ai cũng bàng hoàng, phẫn nộ, vì Phú Lê - một kẻ chuyên nói đạo lý, nghĩa hiệp lại sai đàn em cầm hung khí đánh hai cụ bà đến nhập viện.
Phú Lê tên thật là Lê Văn Phú, 40 tuổi, quê Yên Bái, được biết đến như một “ca sĩ giang hồ nghiệp dư” với hàng loạt video ca nhạc nói về đạo nghĩa giang hồ trên Youtube. Những video này, và một số bộ phim giang hồ có Phú đóng, đã khiến dân mạng lầm tưởng rằng Phú Lê là “nam tử hán” đầy nghĩa khí. Chính Phú cũng nhiều lần livestream “dạy đời, dạy người” về đạo lý, tôn trọng người già, kẻ yếu. Nhưng rồi giang hồ ảo, vẫn hoàn giang hồ ảo, tất cả hành động nghĩa khí trên video, những lời tốt đẹp Phú đã nói, chỉ để che đậy cho bản chất lưu manh, vô đạo đã ăn sâu vào máu.
Vì mâu thuẫn trên mạng với Trần Thị Đào (Đào Chile, “hotgirl xăm trổ”), nhưng không hẹn gặp được người này, ngày 3/8/2020, Phú Lê chỉ đạo hai đàn em là Hoàng Văn Thụy, Trần Văn Tư vụt tuýp sắt vào hai cụ bà, là mẹ và dì của Đào Chile. Được biết, hai cụ bà này đã 69 và 67 tuổi, không hề có sức phản kháng, lại càng không biết Phú và đàn em của Phú là ai. Hai cụ bà bị thương và chấn động tinh thần, phải nhập viện điều trị. Thông thường, đàn ông sử dụng bạo lực với phụ nữ đã khiến người khác phẫn nộ, huống hồ gì, một kẻ chuyên nói chuyện nghĩa khí, lại chủ mưu đi đánh hai cụ bà già yếu, vô tội.
Miệng nói đạo lý, nhưng Phú Lê lại sai đàn em cầm hung khí đi đánh hai cụ bà vô tội. Ảnh: FBNV |
Không còn vẻ oai vệ, ngang tàng khi xuất hiện trên các video, Phú Lê trước cơ quan công an rúm ró, né tránh ống kính phóng viên. Phú Lê khai nhận tất cả hành vi phạm tội của mình: “Vì quá tức giận, tôi đồng ý cho Thụy và Tư đi đánh hai cụ bà. Tôi có dặn không được đánh vào đầu và những phần hiểm, chỉ được vụt cảnh cáo vào chân thôi”.
Cách hành xử lưu manh này, không những khiến Phú Lê phải tra tay vào còng số 8, mà còn khiến bao kẻ lâu nay vẫn mê mẩn Phú Lê phải vỡ lẽ. Bởi một tên đàn ông sức dài vai rộng, lại thẳng tay cho đàn em trừng trị hai cụ bà già yếu. Chứng tỏ, dù tô trét lên người bao nhiêu thứ vàng son, thì bản chất vô văn hóa sẽ dẫn đến cách hành xử lưu manh, bất chấp luân lý.
Trước khi khoác lên mình vỏ bọc “trượng nghĩa” để trở thành “giang hồ Youtube”, Phú Lê từng có đến 2 tiền án. Cụ thể, vào năm 1997, Lê Văn Phú bị TAND tỉnh Yên Bái tuyên phạt 6 năm tù giam về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”. Sau khi ra tù, Phú vẫn chứng nào tật ấy, tụ tập đàn em đi đòi nợ thuê, đánh nhau. Và trong một trận ẩu đả, Phú Lê tiếp tục bị bắt và kết án 2 năm tù giam về tội “Gây rối trật tự công cộng”.
Thói đạo đức giả của giang hồ Youtube
Trong số các giang hồ Youtube, có thể nói “thánh chửi” Dương Minh Tuyền (sinh năm 1986, ngụ Bắc Ninh) là Youtuber “yêu nghề” nhất. Dương Minh Tuyền nổi tiếng trên Youtube với các clip chửi bới thô tục về những sự kiện xảy ra trong xã hội. Dù sống khỏe bằng tiền kiếm được từ Youtube, Dương Minh Tuyền vẫn quen thói hành xử bạo lực. Trong một cuộc ẩu đả tại quán Karaoke, Tuyền bị bắt giam. Ngày 18/4/2017, TAND thành phố Bắc Ninh tuyên phạt Dương Minh Tuyền 32 tháng tù giam với các tội “Gây rối trật tự công cộng và “Hủy hoại tài sản”.
Được ra tù trước thời hạn, Tuyền lại tiếp tục làm giang hồ Youtube. Lần này Tuyền chuyển sang “hình tượng” hành hiệp trượng nghĩa. Hễ thấy việc bất bình, Tuyền sẽ xông vào chửi bới, hoặc đánh đấm để giải quyết và… quay video. Dân mạng thi nhau tung hô, bất chấp việc các video “trượng nghĩa” này Dương Minh Tuyền chỉ dàn dựng để câu lượt xem, kiếm tiền.
Kênh video mới của Dương Minh Tuyền với những nội dung đã "hiền ngoan" hơn rất nhiều. Ảnh: Chụp màn hình |
Vào ngày 4/4/2019, kênh Youtube cổ súy lối sống bạo lực, bất cần luật pháp của Dương Minh Tuyền đã bị Youtube xóa vĩnh viễn. Ngay lập tức Tuyền lại lập kênh Youtube khác, lại đổi sang hình tượng “hiền ngoan”, thỉnh thoảng có chửi bới mấy câu để phù hợp… hình tượng giang hồ. Vậy mới thấy, đã là giang hồ, mà suốt ngày khoe khoang “chiến tích” trên mạng, thì dù có làm gì, chung quy cũng chỉ vì chính sách kiếm tiền từ Youtube.
Mà nói về kiếm tiền từ Youtube, hẳn không “giang hồ ảo” nào qua mặt được Ngô Bá Khá (sinh năm 1993, ngụ Bắc Ninh) tức Khá “bảnh”. Thời vàng son, bất cứ video nào Khá “bảnh” tung lên Youtube, dù nói tục chửi thề, dù cổ súy bạo lực vẫn được một bộ phận dân mạng tung hô hết lời. Với kênh Youtube hơn 2 triệu người theo dõi, mỗi tháng Khá “bảnh” dễ dàng bỏ túi vài trăm triệu từ nền tảng chia sẻ video lớn nhất thế giới.
Khá "bảnh" đi tù khi tuổi còn khá trẻ. Ảnh: FBNV |
Khá “bảnh” cũng như các giang hồ Youtube khác, khoe hình xăm, nói đạo lý bằng những lời lẽ tục tĩu, nhưng lại được khen “tuy thô mà thật”. Khá “bảnh” thường khuyên các bạn trẻ không nên sa đà vào ma túy, cờ bạc mà đánh mất bản thân. Thế rồi, chính Khá lại đánh mất những năm tháng tự do của mình về tội “Đánh bạc” và “Tổ chức đánh bạc”. Cái án 10 năm, 6 tháng tù giam về hai tội danh kể trên của Ngô Bá Khá, như một dấu chấm hết cho một tay giang hồ Youtube nổi đình nổi đám.
Còn nhớ, trước khi phải lãnh án 20 năm tù giam về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”, giang hồ ảo Trịnh Xuân Trường, tức Trường “con” (sinh năm 1972, Nam Định) từng dạy dỗ giới trẻ rằng: “Chơi gì cũng được, không được chơi đá, chơi cỏ, chơi kẹo, chơi ke. Nó sẽ làm hỏng hết cái đầu của mình, sẽ không còn minh mẫn”; rồi thì: “Anh có chơi đâu, anh cầm anh vứt đi luôn”. Vậy mà sau đó, Trường “con” lại bị bắt cùng với 1 ký ma túy dạng Ketamin trên xe ô tô. Quả thực quá nực cười cho thói đạo đức giả của giới giang hồ sống ảo.
Những tung hô từ mạng ảo, dễ khiến cho những kẻ thiếu nền tảng giáo dục như giang hồ Youtube tin rằng, mình có thực quyền, mình có thể hành xử vi phạm pháp luật mà vẫn được tung hô. Để rồi ê chề xộ khám, mới biết, tiền bạc, danh tiếng từ thói đạo đức giả, từ những giá trị lệch lạc cũng chỉ là phù phiếm mà thôi.
Có lẽ, nên dừng lại việc tán tụng giang hồ
Từ ngày xưa, “giang hồ” vốn được hiểu là những người chuyên phiêu bạt, lấy việc hành hiệp trượng nghĩa, giúp người thế cô làm lẽ sống, lấy học tập võ nghệ làm niềm vui. Chính vì thế, đạo nghĩa giang hồ thường xuyên được ca tụng. Tình anh em sống chết có nhau trong giới giang hồ, cũng được lên phim ảnh với các hình tượng long lanh, khiến trẻ già đều mê mẩn. Nhưng hiện tại, “nét đẹp” của giang hồ hầu như không còn nữa. Giang hồ lại thường gắn liền với những vụ bảo kê, kiếm lợi phi pháp, đâm chém bất cần đời. Nhập nhằng giữa cái tốt và cái xấu của lối sống giang hồ từ trong khái niệm, khiến một số kênh thông tin, tác phẩm nghệ thuật vẫn tìm kiếm khai thác về đối tượng này. Và “giang hồ Youtube” được tung hô, cũng xuất phát từ việc, người ta thường ngợi ca cái gọi là “giang hồ đạo nghĩa”. Điều này, thực sự rất nguy hiểm. Bởi trong một xã hội pháp quyền, những lối hành hiệp lạm dụng bạo lực như trong phim ảnh không còn cần thiết nữa. Việc tán tụng đạo nghĩa giang hồ, với tình huống hàng loạt giang hồ bị bắt vì đánh nhau, buôn ma túy,… trái lại chỉ làm giới trẻ suy nghĩ lệch lạc, dẫn đến lối sống sai lầm, hành động bản năng, gây hệ lụy về sau.
Bài 4: Giữa đôi bờ “thực - ảo”