Phát hiện chất cấm trong thực phẩm
Theo thông tin đăng tải trên website của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Cà Mau đã phát hiện có ít nhất 3 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm là mặt hàng cá khô, thực phẩm ăn nhanh trên địa bàn có sản phẩm không đạt chất lượng. Cụ thể, sản phẩm khô có chứa Natri Borat (hàn the) và Trichlorfon (một loại chất độc có trong thuốc trừ sâu) tại 2 cơ sở trên đường Phan Bội Châu (phường 7, TP Cà Mau) và phát hiện sản phẩm chả lụa, chả chiên có chứa chất Natri Benzoat, nhóm Phosphat (P2O2- chất dùng để tạo độ xốp, chống ăn mòn trong ngành công nghiệp) tại một cơ sở trên đường Bùi Thị Trường (khóm 6, phường 5, TP Cà Mau). Đáng lưu ý, cơ quan quản lý nhà nước đã nhiều lần gửi giấy mời yêu cầu các cơ sở đến làm việc. Tuy nhiên, thay vì chấp hành thì các cơ sở này lại “bặt vô âm tín”.
Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Cà Mau, mặt hàng cá khô chủ yếu là cá mối, cá thòi lòi. Được biết, đây không phải là lần đầu tiên những trường hợp vi phạm như thế này bị phát giác. Vào đầu năm 2018, lực lượng chức năng tỉnh Cả Mau đã phát hiện hơn 10 tấn mì sợi chứa hàn the được chủ cơ sở chuẩn bị đem đi tiêu thụ. Cùng thời điểm, cơ quan chức năng tỉnh Tây Ninh cũng phát hiện 1 sạp thịt bò tại chợ Long Hoa dương tính với hàn the, sau quá trình kiểm tra ngẫu nhiên.
Trong tháng 8/2018, cơ quan chức năng TP Vinh, tỉnh Nghệ An đã bất ngờ phát hiện một cơ sở giết mổ của ông Bùi Xuân Phụng sử dụng hàn the để làm trắng hàng trăm con vịt. Mặc dù không có giấy phép nhưng mỗi ngày, cơ sở này giết mổ hàng trăm con vịt.
Trước đó, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu cũng phát hiện nhiều mẫu cá được bán trong các chợ đầu mối trên địa bàn có tồn dư chất Trichlorfon. Đáng chú ý, có mẫu tồn dư Trichlorfon lên đến 5.88mg/kg, trong khi, giới hạn cho phép là 0.01mg/kg.
Mặt hàng cá khô được coi là món “miệt vườn”, có giá rẻ, đậm vị, rất hợp với bữa cơm gia đình. Tuy nhiên, việc sử dụng các chất cấm trong thực phẩm khiến dư luận không ít hoang mang.
Bà Bùi Hồng Quế (45 tuổi, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) thẳng thắn: “Từ lâu, gia đình tôi chỉ dám sử dụng những đồ nhà tự tăng gia. Hôm nào thiếu thì tôi mua ngoài chợ, nhưng mua về cũng phải ngâm rửa với muối thật kỹ. Nhà tôi nói “không” với mặt hàng đồ ăn nhanh như chả, giò và cá mắm. Vì tôi chắc chắn là có chất gì đó thì mới bảo quản được lâu. Riêng mặt hàng cá mắm, bạn đi dạo quanh các chợ mà xem, sẽ không thấy bóng dáng con côn trùng nào dám đậu vào. Trong khi đó, giá bán của mặt hàng này phù hợp với mọi túi tiền”.
Hàn the, Trichlorfon có thể gây tử vong
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm (ĐH Bách khoa Hà Nội) cho biết: “Trichlorfon và Natri Borat (tức là hàn the) là chất cấm sử dụng trong nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là thực phẩm, thực phẩm khô. Đây đều là các loại hóa chất không có tên trong danh mục phụ gia dùng trong thực phẩm của Bộ Y tế. Một số cơ sở chế biến khô do thiếu hiểu biết hoặc cố tình sử dụng các chất cấm này trong bảo quản nhằm tránh bị côn trùng bám vào, ngăn kiến, dòi đục cá khô… khi bày bán, tiêu thụ.
Chất Trichlorfon có độc tính thuộc nhóm độc II (độc tính cao), dễ dàng hấp thụ qua da, có thể gây dị ứng nặng cho da và các cơn co thắt cơ bắp bất thường. Nếu hít phải chất độc này, có nguy cơ xuất huyết đường mũi, ho, tức ngực, thở khó do co thắt ở ống phế quản. Mắt thường tiếp xúc với Trichlorfon cũng sẽ bị chảy máu mắt, mờ mắt dẫn đến mù loà. Sau khi tiếp xúc với hoá chất này, cơ thể sẽ bị phản ứng trong vòng vài phút cho đến 12 giờ. Nhiễm độc nặng sẽ ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh trung ương, nói líu lưỡi, mất phản xạ, suy nhược, mệt mỏi… Trong trường hợp nghiêm trọng có thể bài tiết không chủ động, rối loạn tâm thần, nhịp tim bất thường, bất tỉnh, co giật và hôn mê, suy hô hấp dẫn đến tử vong”.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Trichlorfon là một loại hoá chất hữu cơ dùng làm thuốc trừ sâu và diệt các côn trùng như gián, dế, rệp, bọ chét, ruồi... chất này còn được áp dụng trong chăn nuôi để kiểm soát ký sinh trùng của cá trong môi trường nước được chỉ định.
Tương tự, hàn the gây hại cho gan, thận gây rối loạn chức năng, yếu ớt, bất lực, rối loạn kinh nguyệt, rụng tóc. Hàn the cũng gây ban đỏ dẫn đến tróc vẩy da, teo tinh hoàn, vô sinh hoặc các tai biến hệ tiêu hóa khi sử dụng nhiều.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, khi bị ngộ độc thực phẩm nói chung, nên sơ cứu người bị ngộ độc bằng cách gây nôn, uống nhiều nước muối. Tuy nhiên, tuyệt đối không được móc họng, làm nôn khi nạn nhân đã bất tỉnh, mê man. Bởi thực quản có phản xạ tự đóng, nếu cố tình làm nôn, nạn nhân dễ bị ngạt bởi chính thứ họ nôn ra. Còn người bị ngộ độc chất nghi Trichlorfon, giải pháp tốt nhất là đưa người bị nhiễm độc đến bệnh viện sớm nhất để được rửa dạ dày và làm các xét nghiệm cần thiết nhằm có giải pháp điều trị tối ưu.