Câu chuyện của một người mẹ cả tin
Chị V. là một công chức bình thường, có gia đình êm ấm, tạm đủ ăn đủ mặc. Vài ngày trước, chị tình cờ biết thông tin về Festival Piano Talent toàn quốc 2024. Bấm vào link website ban tổ chức: “ivalpianotalent2024.com” chị V. thấy có những gương mặt rất nổi tiếng trong thành phần Ban giám khảo. Thông tin liên hệ có đủ địa chỉ cơ sở ở Hà Nội và Tp.Hồ Chí Minh, số điện thoại, email.
Vấn đề ở đây, là đúng có một cuộc thi như thế, do Viện Phát Triển Giáo Dục Và Văn Hoá Việt Nam; Cục Văn Hoá Cơ Sở - Bộ Văn Hoá Thể Thao & Du Lịch; phối hợp cùng một số báo đài lớn truyền thông. Đây là cuộc thi Piano mở rộng toàn quốc cho các đối tượng từ 5-18 tuổi.
Đọc đến đây, mời bạn gõ cụm từ khóa “Festival Piano Talent toàn quốc 2024” vào danh mục tìm kiếm Facebook, và kéo xuống xem có bao nhiêu page mang tên này. Vâng, chỉ có 1 là thật, còn lại đều là giả. Và thật không may, chị V. đã tìm tới page giả.
Fanpage giả của Festival Piano Toàn Quốc 2024. (NVCC) |
Chị V. gửi thông tin, video clip chơi piano của con cho page giả đó, và chúng cung cấp số điện thoại để chị kết bạn qua ứng dụng Zalo. Ngay sau khi kết bạn Zalo, chị V. nhận được từ “Ban tổ chức” một đường link ghi “Thông tin ứng viên”, có ảnh và tên con chị, đăng trên website vtv.com.vn. Trang điện tử của Đài truyền hình Việt Nam thực ra là vtv.vn. Cho đến lúc này, trang vtv.com.vn đã không còn truy cập được, nhưng những gì chị V. thấy là một giao diện khá tươm tất, với ảnh Tổng Giám đốc VTV Lê Ngọc Quang ngay trên trang chủ.
|
Tiếp đó, chị V. được gửi một bản cam kết của VTV, có đóng dấu đỏ và ký tên bởi “ông Lê Ngọc Quang”. Nội dung bản cam kết này tóm trong những ý chính: 1/ Cuộc thi “Festival Piano Talent toàn quốc 2024” ngoài những đơn vị đã nêu trên ra, thì có sự phối hợp của Công ty Cổ phần Vua Hàng Hiệu.
2/ Phía BTC sẽ đưa ra 3 thử thách (vòng sơ tuyển online tại nhà) cho các ứng viên. Các ứng viên cần hoàn thành 3 thử thách để phía BTC đánh giá cũng như hỗ trợ các chương trình quảng cáo sản phẩm và trang thông tin của họ.
3/ Các ứng viên sẽ thực hiện thử thách theo hướng dẫn của các chuyên viên. Cứ hoàn thành thử thách là có quà.
4/ Các thí sinh không hoàn toàn vòng sơ tuyển thì hồ sơ đăng ký cuộc thi sẽ bị hủy bỏ.
5/ Nếu xảy ra rủi ro gì thì công ty (Vua Hàng Hiệu) sẽ chịu trách nhiệm hoàn lại 100% tiền mà ứng viên đã thực hiện (thử thách).
|
Sau khi chị V. đọc và đồng ý với bản cam kết này, thì được dẫn vào một nhóm Zalo với 3 phụ huynh khác. Nhiệm vụ điều kiện bắt đầu thực hiện (với một chuyên viên hướng dẫn).
Đầu tiên, mọi người trong nhóm phải đăng nhập Youtube và bấm đăng ký theo dõi kênh VTV Go. Kênh này là thật, có ghi rõ “Kênh Youtube chính thức của Đài THVN với các trích đoạn phim truyền hình hấp dẫn được đăng tải hàng ngày”; có hơn 2,4 triệu người theo dõi, với 13 nghìn video đã được đăng tải.
Sau khi thực hiện nhiệm vụ đầu tiên khá dễ dàng, các ứng viên được yêu cầu chụp ảnh màn hình, gửi lại vào nhóm chat Zalo. Chuyên viên hướng dẫn xác nhận cả 4 đủ điều kiện bắt đầu thử thách.
Thử thách 1, là bấm vào đường link ivalpianotalent2024.com, và tới một sản phẩm “Bao đàn piano điện 88 phím” trị giá 450 nghìn đồng. Chị V. bấm mua, chuyển khoản tới số tài khoản 048726490 của Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc tế Việt Nam VIB. Tên đại diện: CTY TNHH TRUYEN THONG VIART. Phần nội dung chuyển khoản là mã số báo danh của con chị V.
Các thành viên khác của nhóm Zalo cũng làm theo và chỉ vài phút sau, cả chị V. lẫn họ đều được hoàn lại 517.000 đồng, tức là hoa hồng 67.000 đồng. Chuyên viên xác nhận thử thách 1 đã hoàn thành.
Thử thách 2, có 2 nhiệm vụ. Nhiệm vụ thứ nhất là mua một “Piano pedal Casio” giá 950.000 đồng. Nhiệm vụ thứ hai, là mua một “Khăn phủ đàn grand piano” giá 1.200.000 đồng. Trình tự như thử thách 1. Chị V. làm theo, và được hoàn lại, 2.472.000 đồng, tức là hoa hồng 322.000 đồng.
Thử thách 3, lại có 3 nhiệm vụ. Nhiệm vụ thứ nhất là mua một thiết bị trị giá 2.500.000 đồng. Nhưng nhiệm vụ thứ 2 đột nhiên vọt lên là một cây đàn piano điện trị giá 46.500.000 đồng.
Chị V. bị lừa 46.500.000 VNĐ từ những thông tin trên. (NVCC) |
Chị V. chuyển tiền, nhưng lần này thì không thấy “Ban Tổ chức” hoàn lại nữa. Người hướng dẫn nói có chút trục trặc trong khâu hoàn tiền, nhưng việc thực hiện các thử thách không thể dừng lại. Vì thế mọi người tiếp tục thực hiện nốt nhiệm vụ thứ 3.
Lúc này chị V. lưỡng lự. Nhưng 3 phụ huynh ứng viên còn lại không chút phân vân, nhanh chóng chuyển tiền mua cây đàn giá trị hơn, trị giá tới 78 triệu. Luật chơi là tất cả cùng phải thực hiện nhiệm vụ thì mới hoàn tất, vì thế cả 3 phụ huynh kia hối thúc chị V. liên tục. Người thì dỗ dành, khích lệ, kẻ thì đe nẹt, hối thúc, gây áp lực.
Chị V. không còn tiền trong tài khoản, vội nhắn tin cho bạn bè, người quen để vay nóng, hẹn hôm sau trả luôn. Khi đã đủ tiền để hoàn tất thử thách cuối, dĩ nhiên đợi mãi cũng chẳng có khoản tiền nào được hoàn lại tài khoản chị V.
Lúc này chị V. thực sự tá hỏa tam tinh, liên tục hối thúc người hướng dẫn, thì người này đổ tội cho… VTV, và bảo chị tới Đài Truyền hình Việt Nam để khiếu nại.
Chị V. cố gắng định thần ngồi kiểm tra lại từng đầu mối thông tin, và phát hiện những yếu tố thật giả đã được đan cài lẫn vào nhau cực kỳ khéo léo. Chỉ có điều, chị đã không kiểm tra kỹ lưỡng mà thôi.
Cuộc thi là có thật, nhưng nơi chị liên hệ đăng ký thi cho con mình là giả. Trang Facebook lẫn website chị V. đăng ký là giả, nhưng lại sử dụng nội dung lấy từ các nguồn có thật (các video clip dự thi của thí sinh, thông tin của đơn vị tổ chức, ảnh ban giám khảo…). Kênh Youtube VTV Go là thật, nhưng các nhiệm vụ chuyển tiền đều là giả. Và dĩ nhiên, các “phụ huynh” lẫn “người hướng dẫn” trong nhóm chat Zalo với chị V. tất cả đều là giả.
Một trong số những phụ huynh "chim mồi" lừa chị V. sập bẫy. (NVCC) |
Chị V. chia sẻ câu chuyện này với Ngày Nay, và hỏi liệu có thể tìm bắt bọn lừa đảo, đòi lại số tiền không? 127 triệu là một số tiền lớn với gia đình chị, và bị lừa một cách quá đau đớn. Chúng tôi khuyên chị cứ báo cơ quan công an, nhưng cũng chia sẻ rằng đã có rất nhiều người bị lừa đảo online như vậy, và khả năng tìm bắt thủ phạm rất nhỏ. Chúng đa phần là tội phạm công nghệ cao hoạt động từ nước ngoài.
Những lỗ hổng để tội phạm lừa đảo lợi dụng
Sự ngờ nghệch, chủ quan, cả tin và có cả một chút yếu tố ham lợi đã khiến chị V. cắn phải “quả đắng”, mất số tiền lớn. Nhưng khách quan mà nói, những kẽ hở mà những kẻ lừa đảo lợi dụng, là rất đáng báo động từ góc độ cơ quan quản lý.
Thứ nhất, một cuộc thi ở tầm quốc gia do Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch bảo đảm về uy tín, lại trở thành cái vỏ bọc hoàn hảo cho tội phạm lừa đảo trên mạng. Cho đến lúc này, trên website của cuộc thi:
https://www.festivalpianotalent.vn/ vẫn không có một dòng cảnh báo chính thức nào về nguy cơ bị lợi dụng lừa đảo. Thông tin cảnh báo duy nhất liên quan đến cuộc thi này, được đăng tải trên website của kênh An ninh TV, trong đó có nêu nhận được phản ánh từ Ban tổ chức Festival Piano talent toàn quốc 2024 về việc, có một số tổ chức, cá nhân lợi dụng uy tín cuộc thi để lập trang fanpage giả mạo nhằm chiếm đoạt, lừa tiền phụ huynh. Trên một trang Facebook mang tên “Festival Piano toàn quốc 2024” có một bài viết từ ngày 17/12/2023, cảnh báo về các page giả mạo và cách thức lừa đảo. Nội dung này có… 04 lượt tương tác. Sự cảnh báo như vậy đã đủ mạnh chưa?
Thứ hai, việc đăng ký tên miền có đuôi “com.vn” của các tổ chức, sự kiện lớn cần lấy những trường hợp như thế này làm bài học kinh nghiệm. Một tên miền chỉ khác nhau “.vn” và “com.vn” mà một thật một giả, thì người dân cũng khó mà tránh khỏi bị lừa.
Thứ ba, Chính phủ Việt Nam (Thủ tướng Chỉnh phủ; Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông) đã làm việc với đại diện Facebook khu vực Châu Á – Thái Bình Dương từ năm 2018, đạt những thỏa thuận quan trọng trong hợp tác chặn lọc các thông tin xấu độc. Từ dấu mốc này, lượng fake news (tin tức giả mạo) liên quan đến chống phá Đảng, Nhà nước đã giảm mạnh. Tuy nhiên, trong các lĩnh vực đời sống khác, đặc biệt là thương mại, dịch vụ và giải trí thì vẫn rất nhiều. Đơn cử, suốt cả năm 2023, một “chương trình” giả mạo hãng loa Marshall giảm giá tới 70% đã rầm rộ chạy trên nền tảng Facebook. Rất nhiều người đã bị lừa, cho tới khi lực lượng quản lý thị trường vào cuộc kiểm tra và bắt giữ những kho hàng giả lớn.
Ngay sau khi gõ thông tin về cuộc thi “Festival Piano Talent toàn quốc 2024” vào thanh tìm kiếm của Facebook, thì hàng loạt quảng cáo về cuộc thi liền hiển thị tới người viết bài từ những page giả mạo. Nghĩa là những kẻ lừa đảo vẫn đang chi tiền rất mạnh để đẩy quảng cáo trên mạng xã hội nhằm tăng lượng tiếp cận với các “con mồi” tiềm năng.
Cuối cùng, ngay cả khi đã lừa chị V. số tiền lớn, những kẻ mạo danh vẫn tiếp tục gọi cho chị. Lần này, chúng đề nghị chị V. cung cấp thông tin cá nhân để được vay nóng, lãi suất cao. Chị V. sợ hãi từ chối, dù rằng, rất có thể việc cho vay là thật. Tất nhiên, đó sẽ là một chiếc thòng lọng khác.