Peru hiện có hơn 425.000 ha đất dành riêng trồng cà phê, với các đồn điền trải dài trên 95 tỉnh thành. Cùng với Ethiopia, Peru được xếp là một trong những nước xuất khẩu cà phê hữu cơ hàng đầu thế giới, mang lại sinh kế cho hơn 225.000 hộ gia đình. Sản xuất cà phê không chỉ giúp phát triển kinh tế mà còn góp phần quan trọng trong việc đẩy lùi các loại cây trồng bất hợp pháp, như ca cao trái phép hay các vụ buôn bán đất đai vi phạm pháp luật.
Tại tỉnh Oxapampa, cà phê được xem như "vàng" của người dân, đặc biệt là cà phê ở Villa Rica (Pasco), một phần của BIOAY, nơi cây cà phê đã được canh tác thương mại từ hơn 105 năm trước. Hiện tại, khu vực này có hơn 6.000 ha đất trồng cà phê, với 90% dân số tham gia vào quá trình sản xuất. Tuy nhiên, chỉ có một số ít sản lượng cà phê đạt được nhãn hiệu chứng nhận BIOAY.
Cơ hội cho người trồng cà phê địa phương
Năm 2010, UNESCO chính thức công nhận Khu dự trữ sinh quyển Oxapampa-Asháninka-Yanesha (BIOAY) là khu bảo tồn thiên nhiên mang tính biểu tượng. Đến năm 2021, BIOAY trở thành nhãn hiệu đạt chứng nhận đầu tiên tại Peru dành cho các sản phẩm từ Khu dự trữ sinh quyển.
Chứng nhận này nhằm vinh danh những nhà sản xuất áp dụng các biện pháp canh tác nông nghiệp tiên tiến, sáng tạo, kết hợp với đổi mới và nghiên cứu, góp phần hướng tới các Mục tiêu Phát triển Bền vững. Theo thời gian, UNESCO đã không ngừng hỗ trợ củng cố thương hiệu BIOAY và đạt được giấy chứng nhận, giúp cải thiện sinh kế của các cộng đồng địa phương.
Sản phẩm cà phê mang nhãn BIOAY. Ảnh: UNESCO |
Bà Madeleine Huerta, người sáng lập thương hiệu "Huerta Café" với hơn 50 năm kinh nghiệm trồng cà phê tại Villa Rica chia sẻ: “Bệnh gỉ sắt vàng, một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với cây cà phê, đã buộc chúng tôi phải thay đổi phương pháp sản xuất, tạo ra các loại cà phê hảo hạng hơn như Geisha, loại cà phê hữu cơ có chất lượng ổn định theo thời gian. Điều này giúp chúng tôi cải thiện năng suất, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, và có khả năng chăm sóc tốt hơn cho hệ động thực vật tại khu bảo tồn.”
Bà đã biến thách thức thành cơ hội, tập trung vào sản xuất cà phê hữu cơ chất lượng cao, điều giúp bà đạt chứng nhận BIOAY và giành giải thưởng Golden Bean năm 2023.
Sản phẩm cà phê Huerta. Ảnh: UNESCO |
Chung tay gìn giữ ngành công nghiệp cà phê quê hương
Tiếp nối con đường này, còn có một nhân vật nổi bật khác mang tên Rosmery López. Rosmery López là hiện thân cho sự tiến hóa và chuyển đổi của ngành công nghiệp cà phê trong vùng. Ở tuổi 30, cô quản lý trang trại sinh thái của riêng mình, nơi mà cô tiên phong trong các hoạt động mang tính bền vững và hướng đến cải thiện các tiêu chuẩn chất lượng. Lấy tình yêu gia đình làm động lực, cô đã sáng lập nên “Café mi Reyna”, một thương hiệu cà phê sinh thái không chứa hóa chất, đạt chứng nhận hữu cơ IMOCERT và nhãn cấp phép BIOAY.
Một sản phẩm của “Café mi Reyna”. Ảnh: UNESCO |
Không dừng lại ở đó, là một thành viên của “Hợp tác xã sinh thái của phụ nữ trồng cà phê tại Villa Rica”, cô và các đồng nghiệp của mình còn hướng đến mục tiêu được công nhận nhiều hơn nữa để củng cố vai trò của người phụ nữ trong việc trồng cà phê và chứng minh rằng, họ cũng có thể đạt được những thành tựu tuyệt vời nhờ sự uy tín và khả năng lãnh đạo.
Nhãn hiệu BIOAY không chỉ nâng cao giá trị các sản phẩm đạt chứng nhận mà còn tôn vinh những người trồng cà phê, góp phần củng cố thị trường, thúc đẩy chất lượng sản phẩm, và mở ra nhiều cơ hội mới cho cộng đồng nơi đây.