Bé trai 2 tuổi được bệnh viện huyện Cái Nước chuyển đến Sản Nhi Cà Mau trong tình trạng sốt 3 ngày, nổi hồng ban tay chân, giật mình. Diễn tiến bé nặng dần, bắt đầu có biến chứng thần kinh, sau đó là suy hô hấp, trụy tim mạch. Bên cạnh việc đặt nội khí quản, dùng thuốc trợ tim cho bệnh nhi, các bác sĩ Cà Mau hội chẩn trực tuyến cùng bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM) trong đêm 6/11.
Phó giáo sư Phạm Văn Quang, Trưởng Khoa Hồi sức Tích cực Chống độc Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết sau khi xem video hình ảnh cháu bé, các thông số màn hình máy thở, hình ảnh các xét nghiệm cần thiết từ Cà Mau chuyển qua smartphone, bác sĩ TP HCM xác định cần nhanh chóng chuyển viện cháu bé.
"Huyết động học của bệnh nhi không ổn, mạch nhanh 200-210 lần một phút. Đó là dấu hiệu cho thấy bé sẽ diễn tiến nặng, cần đến kỹ thuật cao nhất là lọc máu mới có thể cứu sống", bác sĩ Quang chia sẻ. Bác sĩ ở Cà Mau đi cùng xe cứu thương được hướng dẫn cách cài đặt máy thở, chuẩn bị sẵn thuốc men, trang thiết bị và cập nhật diễn tiến liên tục suốt gần 300 km chuyển bé lên TP HCM.
Bệnh tay chân miệng có xu hướng giảm ở phía Nam, nhưng vẫn có nhiều bệnh nhi rất nặng. Ảnh: T.P |
3h15 phút ngày 6/11, cháu bé an toàn đến Nhi đồng 1. Bé được nhanh chóng cho thở máy, truyền thuốc điều trị tay chân miệng, thuốc vận mạch và tiến hành lọc máu. Sau khoảng 6 tiếng tình trạng bé bắt đầu ổn định lại, mạch từ 210 xuống còn 150, huyết áp ổn định. Ngày 12/1 bé được cai máy thở. Hiện bé tỉnh táo, được theo dõi tại phòng hồi sức. Bé hơi có rối loạn phản xạ nuốt, đang tập vật lý trị liệu.
Cùng thời điểm này, Nhi đồng 1 cũng tiếp nhận bé trai 2 tuổi bị tay chân miệng độ 4 từ Nhi đồng Thành phố Cần Thơ chuyển đến với tình trạng tương tự, phải điều trị lọc máu 36 giờ. Hiện bé tỉnh táo, cử động chân tay tốt, khi ổn định sẽ được khám đánh giá các di chứng nếu có và xử trí.
Phó giáo sư Quang phân tích, so với cao điểm tay chân miệng đầu tháng 9, hiện nay bệnh có xu hướng giảm nhưng vẫn còn những ca bệnh nặng. Bác sĩ và phụ huynh không nên chủ quan, cần lưu ý phát hiện và xử trí kịp thời những trường hợp bệnh nặng.
Cảnh giác các dấu hiệu như sốt cao, nổi các nốt ở tay chân và vùng miệng, ăn uống kém. Đặc biệt cần lưu ý khi trẻ ngủ không yên, chới với, hay giật mình trong lúc thiu thiu ngủ. Đưa trẻ đi khám kịp thời, trẻ bệnh phải uống thuốc theo chỉ định, vệ sinh môi trường, rửa tay thường xuyên, theo dõi các biến chứng để xử trí kịp thời.
Trẻ bị tay chân miệng sẽ phát tán virus lây cho người xung quanh, nên cho trẻ nghỉ học ít nhất 10 ngày, tránh tiếp xúc với trẻ bệnh vì rất dễ lây từ trẻ này sang trẻ khác. Thường xuyên rửa tay, bảo đảm vệ sinh trong ăn uống cho trẻ. Tại lớp trẻ học và tại nhà phải được vệ sinh bằng dung dịch sát trùng ở sàn nhà, đồ chơi và các vật dụng sinh hoạt khác.