Theo các nhà khoa học nghiên cứu, bộ não của con người hiện tại mới chỉ được con người khai thác 5% tiềm năng. Tức là nếu như biết cách giải phóng được đầy đủ hiệu năng của bộ não, con người sẽ có trí tuệ siêu đẳng, sự thông minh vượt trội hoặc có thể có những khả năng phi thường.
Thực tế đã có rất nhiều trường hợp cả cuộc đời chỉ là một người bình thường như bao người khác. Nhưng khi gặp phải những chấn thương nghiêm trọng ở vùng đầu thì những người này bỗng dưng có những khả năng lạ kì mà họ chưa từng biết đến trước đó.
Tommy McHugh, một thợ xây đến từ Liverpool, nước Anh là một trong những trường hợp đặc biệt như vậy.
Tommy McHugh là trường hợp từ thợ xây trở thành họa sĩ.
Ở cái tuổi ngũ tuần, sau một cơn đột qụy dẫn đến xuất huyết não và suýt mất mạng, ông bất ngờ phát hiện thấy mình có khả năng vẽ tranh đẹp không kém gì các danh họa nổi tiếng.
Khi hồi phục sau cơn đột quỵ và trở về nhà, ông quên hết mọi thứ về bản thân và những ngày tiếp theo ông bắt đầu vẽ không ngừng. Hơn thế nữa những bức tranh ông vẽ ra đều mang trường phái trừu tượng và đậm chất nghệ thuật.
Vốn dĩ là một thợ xây nên những thứ nghệ thuật hàn lâm, cổ điển không phải là gu thưởng thức của Tommy, việc học tập làng nhàng cùng với quá khứ nghiện ngập ma túy của mình cũng khiến không ai có thể tin nổi ông lại có khả năng trời phú như vậy.
Tiến sĩ Mark Lythgoe, một nhà thần kinh học tại Đại học College London, người đã nghiên cứu trường hợp Tommy nói: "Có thể những tổn thương não sau khi đột quỵ chính là tác nhân gây nên sự biến đổi thần kì của Tommy."
Orlando Serrell, người có trí nhớ siêu phàm sau một tai nạn từ bé.
Theo thống kê chỉ có khoảng 30 trường hợp lột xác thành thiên tài như vậy được xác nhận trên toàn thế giới.
Một trường hợp khá nổi tiếng khác trên các phương tiện truyền thông đó là dị nhân Orlando Serrell đến từ Virginia, nước Mỹ.
Khi còn bé anh đã bị một quả bóng chày văng mạnh vào đầu. Từ lúc đó Orlando Serrell có thể nhớ những con số dài dằng dặc cũng như giải quyết hàng loạt những phép tính vô cùng phức tạp.
Ngoài ra Orlando có thể kể lại tất cả những sự kiện dù là chi tiết nhỏ nhất mà anh đã từng trải qua.
Hay như trường hợp của Tiến sĩ Tony Cicoria, một bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình tại bang New York, bị sét đánh vào năm 1994 khi đang trò chuyện với mẹ mình từ bốt điện thoại công cộng ngoài trời.
Tiến sĩ Tony Cicoria, người sau khi sét đánh bỗng biết đánh đàn dương cầm.
Trong nhiều tuần, ông luôn bị ám ảnh với nhạc piano cổ điển và vài năm sau, mặc dù trước đó không biết chút gì về âm nhạc, khán giả vẫn nhắc đến ông với tư cách là một nghệ sĩ dương cầm và nhà soạn nhạc tài ba.
Nhiều năm qua, giới khoa học vẫn luôn cố gắng đi tìm lời giải thích cho tất cả những điều kỳ lạ này.
Darold Treffert, bác sĩ tâm thần tại Wisconsin, người đã nghiên cứu nó suốt 40 năm, cho biết: “Khi xảy ra chấn thương nghiêm trọng ở não, cơ chế của não bộ sẽ tự động giải phóng tiềm năng bù đắp cho những tổn thương đó. Đôi khi điều này có thể sẽ làm tăng thêm một phần năng lực tiềm ẩn”.
Cho đến năm 2003, Giáo sư thần kinh học Bruce Miller đến từ Đại học California, San Francisco phát hiện ra rằng nhiều bệnh nhân mắc chứng rối loạn não bộ đã bất ngờ phát triển tài năng nghệ thuật khi gặp điều kiện thuận lợi. Anne Adams, nhà sinh vật học nổi tiếng người Canada là một trường hợp ông từng quan tâm.
FTD tuy làm Anne Adams mất khả năng nói nhưng lại giúp cô đạt được các kỹ năng đặc biệt trong lĩnh vực tạo hình nghệ thuật như điêu khắc. “Mạch ngôn ngữ bị mất đi sẽ làm gia tăng hoạt động ở các khu vực khác trong não”, Miller phát biểu trên tạp chí Brain cách đây bốn năm.
Những bí ẩn của hiện tượng này đã từng giải thích bằng góc độ di truyền học khi nhiều nhà nghiên cứu cho rằng sự thông thạo một khả năng nào đó có thể do di truyền từ tổ tiên và do tác nhân ngẫu nhiên vô tình kích hoạt gen đã ngủ quên.
Tuy nhiên quan điểm này đã bị bác bỏ khi nó cũng chưa từng được chứng minh cụ thể qua những thí nghiệm thực tế.
Mạnh Kiên