Được sinh ra khi còn quá non, có bé chỉ được ở trong lòng mẹ 6 tháng, thậm chí có bé ra đời chỉ nặng 500g nhưng các bé đã từng bước vượt qua ải tử thần, sống sót một cách diệu kỳ...
Đó là không ít trường hợp chúng tôi ghi nhận tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương.
Theo chia sẻ của Th.s Lê Minh Trác – Phó Giám đốc Trung tâm chăm sóc và Điều trị trẻ sơ sinh (Bệnh viện Phụ sản Trung ương), các bé sinh ra ít cân phần nhiều do đẻ non. Một số trường hợp đủ tháng nhưng cân nặng vẫn thấp là do hiện tượng suy dinh dưỡng bào thai hoặc gọi là chậm phát triển trong tử cung.
Th.s Lê Minh Trác – Phó Giám đốc Trung tâm chăm sóc và Điều trị trẻ sơ sinh (Bệnh viện Phụ sản Trung ương) dẫn chúng tôi tới thăm các bé sinh non tháng, thiếu cân
“Trước đây, đẻ non được định nghĩa là thai được 28 đến 37 tuần tuổi. Nhưng hiện nay, khái niệm đẻ non giảm xuống còn 22 đến 37 tuần tuổi do tỉ lệ các cháu sinh thiếu cân nhưng được nuôi sống tăng lên.
Đó cũng là lý do làm cho tỉ lệ đẻ non cao lên. Nguyên nhân tại sao sinh non nhiều, đến thời điểm này vẫn chưa được xác định rõ.
Ở các bệnh viện tuyến tỉnh, nuôi trẻ sinh ra có cân nặng từ 1kg cho tới 1,5kg thậm chí 2kg cũng còn khó khăn nhưng Bệnh viện Phụ sản Trung ương, nuôi sống thành công nhiều cháu có cân nặng 1,5kg thậm chí 0,5 – 0,6kg mặc dù tỉ lệ nuôi sống thành công trẻ 0,5 – 0,6kg còn khiêm tốn.
Trong thời gian bố mẹ các bé không ở đây, các bé được đội ngũ y, bác sĩ của bệnh viện chăm sóc chu đáo, tận tình
Tỉ lệ nuôi sống trẻ có cân nặng dưới 1kg, hiện tại ở Bệnh viện mới được 40 – 50%. Đây cũng là con số đáng mừng cho nền y học nước nhà”, Th.s Lê Minh Trác cho hay.
Theo khẳng định của Th.s Trác, những bé sinh ra có cân nặng 1kg hay dưới 1kg, trong khoa thường xuyên có khoảng 20 – 30 bé.
Tổng ở khoa những bé sơ sinh thấp cân khoảng 150 – 180 bé, thời kì nhiều là 180 bé.
Chia sẻ về quá trình nuôi dưỡng những trẻ sinh non tháng, thấp cân, Th.s Lê Minh Trác đưa ra nguyên tắc điều trị đầu tiên là hỗ trợ hô hấp cho các cháu.
Thứ 2 là đảm bảo nuôi dưỡng cho ăn bằng sữa mẹ và truyền dịch để bù thêm, đảm bảo vệ sinh chống nhiễm khuẩn.
Tiếp theo những hỗ trợ khác như hỗ trợ về truyền máu nếu trong trường hợp trẻ thiếu máu, ngoài ra có thể chiếu đèn, điều trị vàng da, chống xuất huyết... Đảm bảo vệ sinh và giữ ấm cho đứa trẻ thì sử dụng lồng kính.
“Để chăm sóc trẻ non tháng đòi hỏi người thầy thuốc phải có kiến thức chuyên sâu về sơ sinh, phải tự nguyện, xuất phát từ tâm, tự vệ sinh, rửa tay và tôn trọng các cháu vì thời gian các cháu nằm điều trị đặc biệt tại bệnh viện sẽ không có gia đình. Các bác sĩ chăm sóc ẩu là không được”, Th.s Trác khẳng định.
“Tùy thuộc vào cân nặng và tuổi thai của đứa trẻ nhưng với những cháu 500g – 600g, thông thường chúng tôi phải cho nằm bệnh viện 3 – 5 tháng.
Theo đó, ngày 10/3/2015, bệnh viện làm lễ xuất viện cho cặp song sinh Giang Thiên Bảo và Giang Thiên Ân nặng lần lượt 0,5kg và 0,6kg con sản phụ Hồ Thị Hải Yến (SN 1986). Chị Hải Yến sinh hai bé khi song thai mới được 24 tuần tuổi.
Lúc chuyển hai bé từ phòng sinh sang Trung tâm chăm sóc và điều trị trẻ sơ sinh (Bệnh viện Phụ sản Trung ương), phản xạ thở của hai trẻ yếu, toàn thân tím đen do xuất huyết dưới da, suy hô hấp nặng.
Sau hơn 3 tháng được nuôi dưỡng và điều trị tại trung tâm, cặp song sinh đã phát triển và tăng cân tốt. Tính đến ngày 10/3, một cháu được 2,25kg và một cháu được 2,35kg với tình trạng sức khỏe hoàn toàn bình thường.
Khi về nhà cả 2 cháu theo dõi ổn định và phát triển như những cháu bình thường khác.
Hoặc như trường hợp gia đình ở Thanh Hóa có 4 con gái đều đã xây dựng gia đình. Gia đình này cho chọn giới bên Thái Lan và sinh 3 đều là con trai. Khi Trung tâm chăm sóc và điều trị trẻ sơ sinh tiếp nhận các bé nặng lần lượt 1,3; 1,4; 1,5kg. Các cháu nằm ở điều trị 1 tháng tại đây
Hiện tại các bé mới sinh được hơn 1 tháng, vừa ra viện và chưa quay lại kiểm tra nên bệnh viện chưa đánh giá được. Để đánh giá và khẳng định chắc chắn được sự phát triển thì các bé phải 5 - 6 tháng.
Phòng chăm sóc đặc biệt dành cho các bé sinh non tháng, thiếu cân
Chia sẻ về cảm xúc lần đầu nâng trên tay những sinh linh bé nhỏ như thế, Th.s Lê Minh Trác cười:
“Lần đầu nâng cháu bé nặng dưới 1 kg trên tay vào năm 2003 khi tôi chuyển từ Bệnh viện Nhi Trung ương sang, cảm giác rất lạ lẫm. Trên tay tôi là đứa trẻ rất non, mềm nhũn. Tôi tự đặt cho mình câu hỏi, không hiểu sao con người sinh ra lại bé như thế. Sau quá trình lạ lẫm, bỡ ngỡ ấy thì giờ chăm sóc nhiều cháu như thế tôi cũng quen.
Còn với những ông bố, bà mẹ có con sinh non, nhẹ cân, thì ở thời điểm nào cũng thế. Có những người mẹ và gia đình bị stress trước việc đó. Ai trong số họ cũng luôn hi vọng đứa trẻ sống và con cháu khỏe mạnh bình thường, có người còn trầm cảm vì quá lo lắng.
Chúng tôi thường phải động viên người chồng để họ vững vàng, giúp người vợ vượt qua cuộc sinh, khỏe lại có sữa nuôi con”, Th.s Lê Minh Trác tâm sự.
Nguyễn Huệ