Chất lượng văn bản và yêu cầu ‘số một’ của Thủ tướng

Mặc dù Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã liên tục yêu cầu các Bộ, cơ quan cần chống tình trạng cài cắm công vụ, thủ tục,‘gói ghém’ lợi ích cục bộ vào các văn bản, nhưng thời gian qua, nhiều văn bản và đề xuất chính sách vẫn gây những tranh cãi, thậm chí phản ứng từ phía người dân và cộng đồng doanh nghiệp.
    Chất lượng văn bản và yêu cầu ‘số một’ của Thủ tướng
    Chất lượng văn bản và yêu cầu ‘số một’ của Thủ tướng ảnh 1
    Các Bộ liên quan đã công bố tạm dừng Dự thảo tiêu chuẩn quốc gia về quy phạm thực hành sản xuất nước mắm, sau những phản ứng từ phía các doanh nghiệp lo ngại ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất nước mắm truyền thống.

    LTS: Ngày 19/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị quyết phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 3/2019, trong đó nhấn mạnh: Thể chế, pháp luật cần thể hiện sâu sắc tinh thần đổi mới, các Bộ, cơ quan ngang bộ phải coi việc rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật thuộc ngành, lĩnh vực được phân công là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên; kịp thời phát hiện và xử lý các quy định trái pháp luật, không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội.

    Mặc dù công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế trong thời gian qua luôn được chú trọng và đã đạt nhiều kết quả nổi bật, nhưng tiến độ và chất lượng xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật nhìn chung vẫn chưa được như mong muốn. Báo điện tử Chính phủ đăng tải loạt bài viết đề cập vấn đề này.

    Từ vướng mắc văn bản tới ách tắc trong cuộc sống

    Cách đây hơn nửa tháng, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có một động thái thái khá hi hữu khi ban hành Thông tư 01/2019/TT-BTNMT để ngưng hiệu lực thi hành một số quy định quy chuẩn quốc gia về môi trường trong các Thông tư 08, 09 năm 2018 của Bộ này, vốn mới có hiệu lực từ cuối tháng 10/2018.

    Trước đó, ngày 1/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phải bãi bỏ những nội dung bất cập liên quan đến quy trình kiểm tra chất lượng phế liệu nhập khẩu sử dụng làm nguyên liệu sản xuất tại các Thông tư nói trên.

    Vài ngày sau, tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 1/2019, Chính phủ tiếp tục yêu cầu cần khẩn trương rà soát, bãi bỏ các quy định pháp luật bất cập, không phù hợp liên quan đến quy trình kiểm tra chất lượng phế liệu nhập khẩu sử dụng làm nguyên liệu sản xuất.

    Trên thực tế, những quy định bất cập liên quan chỉ được giải quyết khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Tổ công tác của Thủ tướng vào cuộc, sau khi nhận được đơn cầu cứu của các doanh nghiệp.

    Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác, do những bất cập, vướng mắc trong Thông tư 08, 09, ở thời điểm trước Tết nguyên đán, có tới 24.124 container phế liệu đang tồn đọng tại các cảng biển trên cả nước, trong đó nhiều container là nguồn nguyên liệu rất cần cho sản xuất, kinh doanh.

    Tại cuộc cuộc họp gần đây của Tổ công tác của Thủ tướng về tình hình xây dựng các văn bản pháp luật, các ý kiến còn nhắc tới những ví dụ điển hình khác trong thời gian qua như dự thảo thông tư quy định về tiêu chuẩn nước mắm, thông tư về danh mục thức ăn chăn nuôi được phép lưu hành, hay ý kiến đề xuất “mất giấy phép lái xe thì phải thi lại”…

    Ở cấp nghị định, cơ quan soạn thảo nghị định mới thay thế Nghị định 86 về kinh doanh vận tải bằng ô tô cũng được cho là đang gặp lúng túng khi các dự thảo trình Chính phủ nhiều lần mà vẫn chưa được thông qua…

    Trước đại diện 13 Bộ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng đã truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng về việc trước khi công bố các văn bản, chính sách phải đánh giá kỹ tác động, tránh việc vừa ban hành dư luận đã không đồng tình.

    "Có văn bản ban hành chưa được mấy tháng đã phải hủy. Theo tôi, văn bản chưa chắc thì chưa ban hành vội, mà nên lấy thêm ý kiến doanh nghiệp, nghe nhiều tai, nhiều chiều”, ông Dũng nói và dẫn ví dụ, “lấy tiêu chuẩn nước mắm công nghiệp áp cả cho nước mắm truyền thống, các hộ sản xuất, doanh nghiệp ầm ầm gửi đơn lên, rất là khổ”.

    Trước đó vài ngày, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc cho biết đã công bố tạm dừng Dự thảo tiêu chuẩn quốc gia về quy phạm thực hành sản xuất nước mắm, sau những phản ứng từ phía các doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống và Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam có ý kiến chỉ đạo.

    Nhiều ý kiến cho rằng dự thảo nói trên có tới hơn 50 nội dung quy định không phù hợp với thực tế sản xuất nước mắm. Mặc dù đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giải thích rằng tiêu chuẩn không mang tính bắt buộc mà chỉ khuyến nghị, song các ý kiến vẫn lo ngại về những tác động tiêu cực của tiêu chuẩn nói trên tới nước mắm truyền thống.

    Trong khi đó, một văn bản khác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lại gây tranh cãi, phản ứng sau khi đã được ban hành chứ không còn là dự thảo. Cụ thể, Thông tư 02/2019/TT-BNNPTNT “ban hành danh mục sản phẩm thức ăn chăn nuôi theo tập quán và nguyên liệu đơn được phép lưu hành tại Việt Nam” có hiệu lực từ ngày 11/02 lại không đề cập tới nhiều loại nguyên liệu mà người dân, trong tập quán vẫn sử dụng cho việc chăn nuôi, như thỏ ăn khoai tây, lá khoai, sắn, rau muống; cho lợn ăn bèo tây, thân chuối…

    Theo các chuyên gia, điểm bất hợp lý của Thông tư 02/2019 nằm ở chỗ áp dụng phương pháp quản lý “chọn cho”, tức là người dân chỉ được làm những gì pháp luật cho phép, thay vì “chọn bỏ”, tức là được làm tất cả những gì luật không cấm. Các chuyên gia khuyến nghị, Bộ chỉ cần đưa ra danh mục thức ăn chăn nuối cấm lưu hành, người dân sẽ chỉ phải tránh những thức ăn bị cấm, còn lại họ sẽ được thoải mái sử dụng.

    Không “ngâm lâu”, chống cài cắm lợi ích

    Nhìn rộng hơn, chất lượng soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật là vấn đề luôn được quan tâm. Trong năm 2017, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp đã kiểm tra, phát hiện và kết luận 157 văn bản trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền, gồm 26 văn bản của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và 131 văn bản của HĐND và UBND cấp tỉnh. Trong đó, có 85 văn bản trái pháp luật trong lĩnh vực kinh tế (gồm 10 văn bản của Bộ, 75 văn bản của địa phương), chiếm 54%.

    Tới năm 2018, Cục này qua kiểm tra đã phát hiện, kết luận kiểm tra đối với 84 văn bản sai về thẩm quyền, nội dung (27 văn bản cấp bộ và 57 văn bản của HĐND và UBND cấp tỉnh). Tính đến ngày 21/12/2018, có  52/84 văn bản đã được xử lý; 32 văn bản chưa xử lý, trong đó có 21 văn bản trong thời hạn xử lý.

    Mới đây nhất, ngày 19/3, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đã tổ chức cuộc họp để bàn thảo về Thông tư 02/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau khi bước đầu nhận thấy một số nội dung của Thông tư này “cần phải xem xét thêm về tính hợp pháp”.

    Theo những thông tin mới nhất, sau cuộc họp này, Bộ Tư pháp đã kiến nghị sửa đổi về phạm vi điều chỉnh của Thông tư, theo đó Thông tư chỉ áp dụng đối với các tổ chức cá nhân kinh doanh thức ăn chăn nuôi, mà không điều chỉnh thức ăn chăn nuôi theo tập quán, nguyên liệu đơn mà người chăn nuôi tự sản xuất, sử dụng trong nội bộ các nông hộ chăn nuôi…

    Bên cạnh đó, việc tự kiểm tra của các Bộ, cơ quan, địa phương cũng phát hiện không ít vấn đề. Chẳng hạn, theo báo cáo của Bộ Nội vụ, năm 2018, Bộ Y tế đã tiến hành kiểm tra 15 văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý, theo đó, đã chỉ đạo xem xét lại các thông tư thuộc lĩnh vực dược.

    Thành phố Hải Phòng đã chỉ đạo xử lý 23/25 (đạt 92%) văn bản trái pháp luật theo kết luận kiểm tra của Bộ Tư pháp; đồng thời, qua kiểm tra, rà soát, Thành phố đã phát hiện và chỉ đạo xử lý đối với 05 văn bản thuộc lĩnh vực nội vụ.

    Tỉnh Sơn La đã kiểm tra 14 văn bản thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường, phát hiện và chỉ đạo xử lý đối với 13 văn bản có nội dung chưa phù hợp với quy định của pháp luật thuộc trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính…

    Luôn nhấn mạnh vai trò hết sức quan trọng của thể chế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc liên tục nhắc nhở các Bộ, cơ quan cần coi trọng công tác này. Gần đây nhất, tại cuộc họp ngày 18/3 về các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, ông nhắc lại “thể chế là số một” và trước hết, cần tập trung tháo gỡ vướng mắc về thể chế, không được để chậm trễ, không để tình trạng “ngâm lâu”, giữ một số quy định gây ách tắc, khó khăn cho sản xuất, kinh doanh.

    Trước đó, Thủ tướng đã nhiều lần lưu ý các Bộ, cơ quan về những văn bản vẫn cài cắm công vụ, thủ tục, các Bộ trưởng phải tỉnh táo để chống tình trạng ‘gói ghém’ lợi ích cục bộ vào nghị định, thông tư.

    Có nhiều nguyên nhân dẫn tới những bất cập nói trên. Chẳng hạn, nói về Thông tư 08, 09 gây ách tắc phế liệu nhập khẩu, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành thừa nhận, “công tác đánh giá tác động của các văn bản quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực cần thực hiện sâu sắc hơn, việc xử lý các vướng mắc, nhạy cảm về thay đổi các quy định cần có sự chung tay của các cơ quan liên quan”.

    Rõ ràng, chất lượng văn bản quy phạm pháp luật không bảo đảm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, hoạt động của người dân, doanh nghiệp, thậm chí ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển trong các lĩnh vực liên quan.

    Để nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật, nhiều chuyên gia đề nghị cần tập trung, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong quá trình xây dựng và thi hành văn bản quy phạm pháp luật. Những vấn đề cấp thiết của đời sống, liên quan đến quyền, lợi ích của người dân, việc đánh giá tác động trong quá trình xây dựng chính sách là rất cần thiết…

    Theo Chính phủ
    Tổ chức Liên hoan Múa rối quốc tế - 2024 tại Hà Nội
    Tổ chức Liên hoan Múa rối quốc tế - 2024 tại Hà Nội
    (Ngày Nay) - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã giao Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp với Cục Hợp tác quốc tế, Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội, Nhà hát Múa rối Việt Nam và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Liên hoan Múa rối quốc tế - 2024, dự kiến diễn vào tháng 10/2024, tại Hà Nội.
    Bảo đảm môi trường du lịch an toàn cho du khách dịp nghỉ lễ
    Bảo đảm môi trường du lịch an toàn cho du khách dịp nghỉ lễ
    (Ngày Nay) - Trước nhu cầu du lịch dự báo sẽ tăng cao trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, Sở Du lịch Hà Nội đã có công văn gửi các sở, ngành, quận, huyện, thị xã, tổ chức, cá nhân quản lý khu, điểm du lịch trên địa bàn đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch và giữ gìn môi trường du lịch Thủ đô.
    Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
    Tổng thống Pháp: Châu Âu cần bớt lệ thuộc vào Mỹ
    (Ngày Nay) - Tổng thống Pháp cho rằng châu Âu cần cần thay đổi quy mô phòng thủ giúp châu lục này thiết lập đối thoại với các nước thứ ba, bớt lệ thuộc vào Mỹ và có khả năng đương đầu tốt hơn với các mối đe dọa.
    UBND tỉnh Quảng Trị, T&T Group và Công ty năng lượng SK E&S ký kết hợp tác đầu tư, thương mại, chuyển đổi năng lượng và tăng trưởng xanh
    Tỉnh Quảng Trị và T&T Group hợp tác chuyển đổi năng lượng - tăng trưởng xanh với Tập đoàn SK
    Ngày 24/4, tại Seoul (Hàn Quốc), với mục tiêu nhằm củng cố và tăng cường quan hệ hợp tác về đầu tư, thương mại và tăng trưởng xanh tại tỉnh Quảng Trị, UBND tỉnh Quảng Trị, Tập đoàn T&T Group và SK E&S (Hàn Quốc) đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về đầu tư, thương mại, chuyển đổi năng lượng và tăng trưởng xanh.
    Phó Thủ tướng yêu cầu rà soát điều chỉnh dự án thu hồi đất sân bay Long Thành
    Phó Thủ tướng yêu cầu rà soát điều chỉnh dự án thu hồi đất sân bay Long Thành
    Văn phòng Chính phủ vừa có Văn bản số 2705/VPCP-CN, truyền đạt ý kiến Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai rà soát, hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành theo hướng xác định chính xác diện tích đất sử dụng cho sân bay và diện tích đất tái định cư cho dự án xây dựng sân bay Long Thành, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định bổ sung, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
    Thúc đẩy phổ cập công nghệ blockchain và AI
    Thúc đẩy phổ cập công nghệ blockchain và AI
    Ngày 24/4, tại Diễn đàn thường niên về Công nghệ chuỗi khối (Blockchain) và trí tuệ nhân tạo (AI): Cuộc cách mạng tương lai, Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã ra mắt Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ nhân tạo (ABAII).
    WHO: Các loại vaccine cứu 154 triệu mạng người trong 50 năm
    WHO: Các loại vaccine cứu 154 triệu mạng người trong 50 năm
    Các nỗ lực tiêm chủng trên toàn cầu đã giúp cứu được 154 triệu mạng sống trong 50 năm qua. Đáng chú ý, phần lớn những người được hưởng lợi là trẻ sơ sinh. Đây là kết quả mới được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố ngày 24/4, phản ánh hiệu quả của các chiến dịch tiêm chủng trên toàn cầu trong nhiều thập niên qua.
    Du lịch Thái Lan bội thu từ lễ hội Songkran
    Du lịch Thái Lan bội thu từ lễ hội Songkran
    Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan cho biết việc kéo dài lễ hội Songkran trong vòng 3 tuần đã giúp tạo ra khoản doanh thu lên tới 140 tỷ baht (3,7 tỷ USD) cho ngành du lịch nước này, thu hút 1,9 triệu khách du lịch nước ngoài đến thăm trong thời gian diễn ra lễ hội.