Theo nghiên cứu của tổ chức Power Shift Africa, các nước châu Phi sẽ chi trung bình 4% GDP cho việc thích ứng với biến đổi khí hậu. Ví dụ, tại Ethiopia, đối phó với thời tiết khắc nghiệt đã tiêu tốn gần 6% GDP của nước này. Nghĩa là với mỗi 20 USD thu nhập quốc dân, Ethiopia mất 1 USD để sửa chữa thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra.
Theo các nhà khoa học, châu Phi sẽ trở thành khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu trên toàn cầu. Mặc dù, châu lục này gồm một số quốc gia nghèo nhất thế giới, có lượng phát thải nhà kính ít hơn rất nhiều so với các nước phát triển.
Ví dụ, nước Cộng hoà Sierra Leone ở Tây Phi sẽ phải chi 90 triệu đô la mỗi năm để thích ứng với biến đổi khí hậu, dù nước này chỉ thải ra 0,2 tấn CO2 mỗi năm - ít hơn 80 lần lượng phát thải của Mỹ. Năm 2021, lũ lụt tại Nam Sudan - nước nghèo thứ hai thế giới - khiến 850.000 người mất chỗ ở. Mỗi năm, Nam Sudan phải chi 376 triệu USD, tức 3,1% GDP để khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.
Mohamed Adow, Giám đốc của Power Shift Africa, cho biết: "Báo cáo này đã chỉ ra sự bất công trong việc ngăn chặn biến đổi khí hậu trên toàn cầu. Tại châu Phi, những nước nghèo khó nhất đang phải dùng nguồn lực hạn chế của mình để khắc phục hậu quả do nước khác gây ra. Họ phải hứng chịu những đợt hạn hán, bão và lũ lụt, khiến nền kinh tế đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn."
Ông Adow kêu gọi các nước phát triển sớm thực hiện lời hứa tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên hợp quốc (COP26): tăng gấp đôi số tiền tài trợ để chống biến đổi khí hậu hiện nay cho những nước nghèo. Năm 2009, các quốc gia giàu có đã hứa hỗ trợ 100 tỷ USD mỗi năm cho những nước nghèo, nhưng cho đến nay, họ chưa bao giờ đạt được mục tiêu đó. Hầu hết nguồn tài trợ đều chảy vào các dự án cắt giảm khí thải, thay vì hỗ trợ thích ứng.