Dữ liệu trên được Cơ quan Môi trường Châu Âu (EEA) công bố ngày 3/2/2022. EEA ước tính thiệt hại do thiên tai, lũ lụt và thời tiết cực đoan gây ra cho châu Âu vào khoảng 450 tỷ euro tới 520 tỷ euro trong vòng 40 năm qua, từ năm 1980 đến năm 2020.
Chỉ khoảng 23% số tổn thất trên được bảo hiểm, và tỷ lệ này rất khác nhau giữa các quốc gia. Ví dụ, tại Đan Mạch và Hà Lan, hơn một nửa thiệt hại được nhà nước bảo hiểm, trong khi con số này tại Lithuania và Romania là dưới 1%. Vương quốc Anh chịu thiệt hại khoảng 57 tỷ euro trong 4 thập kỷ qua, trung bình 1000 euro/người, nhưng được bảo hiểm tới 70%.
Pháp, Đức và Ý là những nước có tổng mức thiệt hại cao nhất trong khu vực. Thụy Sĩ, Slovenia và Pháp có mức thiệt hại tính theo đầu người cao nhất.
Các sự kiện "thuỷ văn" - phần lớn là lũ lụt - gây ra tổn thất kinh tế nặng nề nhất, chiếm hơn 44% tổng thiệt hại. Tiếp theo là các sự kiện "khí tượng" - chủ yếu là bão - chiếm 39% tổng thiệt hại.
Giai đoạn trên cũng ghi nhận từ 90.000 đến 142.000 trường hợp tử vong do các sự kiện thời tiết cực đoan, trong đó nắng nóng là nguyên nhân hàng đầu.
Wouter Vanneuville, một trong những nhà khoa học tham gia nghiên cứu và tính toán dữ liệu trên, cho biết ngày càng có nhiều nước gia tăng đầu tư vào cơ sở hạ tầng để thích ứng với thời tiết cực đoan và biến đổi khí hậu. "Rất nhiều hành động đang diễn ra nhằm chống lại biến đổi khí hậu," ông Vanneuville nói.
Tuy nhiên, ông Vanneuville cũng khuyên các nước châu Âu cần đầu tư nhiều hơn nữa, bởi tiến độ chống lại thời tiết cực đoan và biến đổi khí hậu là rất không đồng đều trên toàn lục địa.
"Ngay cả khi chúng ta đạt mức phát thải ròng bằng 0 trước năm 2050, vẫn cần phải thích ứng để hạn chế các tác động tiêu cực của thời tiết cực đoan và biến đổi khí hậu," ông Vanneuville khẳng định.