Cảnh sát PCCC TP.Đà Nẵng đã điều động hàng chục xe chữa cháy thuộc lực lượng PCCC số 4 (đóng ở Q.Liên Chiểu), số 5 (đóng ở Trung tâm hành chính H.Hòa Vang) cùng hàng trăm cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường (ảnh). Tuy nhiên, do hỏa hoạn xảy ra vào ban đêm, ở khu vực đồi dốc hiểm trở, có một mặt tiếp giáp với khu dân cư… nên lực lượng chữa cháy gặp khó khăn trong quá trình tiếp cận đám cháy.
Đến khoảng 22 giờ 30 hôm qua, đám cháy mới cơ bản được khống chế. Bước đầu ghi nhận hỏa hoạn xảy ra trên phạm vi khoảng 2 ha rừng keo lá tràm, chủ yếu nằm ở địa bàn thôn An Ngãi Đông (xã Hòa Sơn) và giáp ranh P.Hòa Khánh Nam.
Cũng trong hôm qua, Công ty thoát nước và xử lý nước thải TP.Đà Nẵng đã khẩn trương dọn vệ sinh, xử lý mùi hôi thối bằng khoáng chất và san gạt bờ biển Phước Mỹ (P.Phước Mỹ, Q.Sơn Trà) tại khu vực nước thải chảy tràn tối 5.8. Trước đó, người dân và du khách bất ngờ phát hiện lượng nước thải đen ngòm, nổi bọt trắng chảy ồ ạt từ cống xả An Đồn. Trao đổi với Thanh Niên, ông Mai Mã, Giám đốc Công ty thoát nước và xử lý nước thải TP.Đà Nẵng, cho biết các khách sạn và nhà hàng trên đường biển Võ Nguyên Giáp đã xả thải trực tiếp ra biển. Hệ thống thu gom nước thải ven biển có 9 cống xả, mỗi cửa xả thải có một hệ thống bơm nước về nhà máy để xử lý trước khi xả ra biển. Nhưng lượng nước thải hiện nay quá tải, công ty đắp đập cát cao 40 cm tại cống xả để giữ nước thải trong giờ cao điểm. Do bể bơi của các khách sạn đồng loạt xả thải nên đẩy vỡ 1 trong 6 cửa của cống An Đồn.
Để khắc phục tình trạng này, UBND TP.Đà Nẵng có chủ trương đầu tư, nâng cấp hệ thống thu gom nước thải dọc tuyến đường biển Võ Nguyên Giáp - Hoàng Sa - Trường Sa với kinh phí 1.000 tỉ đồng. Trước mắt, TP.Đà Nẵng thống nhất đầu tư 2 cửa xả chính ra biển (Mỹ An và Mỹ Khê), trong đó có hệ thống thu gom nước thải; dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị.
Theo Thanh Niên