Chiến lược phát triển hệ thống y tế trong kỷ nguyên vươn mình của đất nước

(Ngày Nay) - Trong giai đoạn phát triển mới, y tế là trụ cột vững chắc về an sinh xã hội và phát triển con người, là lá chắn tin cậy đảm bảo an ninh y tế và là ngành dịch vụ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.
Chiến lược phát triển hệ thống y tế trong kỷ nguyên vươn mình của đất nước

Hiện nay, Việt Nam đang bước vào một giai đoạn phát triển mới, với kỳ vọng bứt phá về tăng trưởng kinh tế (gia tăng nhanh tốc độ tăng trưởng, quy mô nền kinh tế và cải thiện mạnh mẽ chất lượng tăng trưởng) được ví như “kỷ nguyên vươn mình của đất nước”.

Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam, Phó giáo sư Phan Lê Thu Hằng - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Tài chính, Giám đốc Dự án Đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống y tế tuyến cơ sở (Bộ Y tế) cho hay trong giai đoạn phát triển mới, hệ thống y tế cần thực hiện tốt đồng thời cả 03 vai trò: là trụ cột vững chắc về an sinh xã hội và phát triển con người, là lá chắn tin cậy đảm bảo an ninh y tế và là ngành dịch vụ đặc biệt đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.

Nhận diện cơ hội và giải quyết hiệu quả các thách thức

Phó giáo sư Phan Lê Thu Hằng phân tích, để có thể phát triển một cách hiệu quả và bền vững trong tương lai, trong bối cảnh có nhiều cơ hội và thách thức đan xen, hệ thống y tế cần nhận diện, tận dụng tốt những cơ hội và giải quyết hiệu quả những thách thức của môi trường bên ngoài cũng như bên trong mà hệ thống y tế đang đối mặt.

Ngành y tế đang có những yếu tố thuận lợi rất cơ bản, đó là Việt Nam có quyết tâm chính trị rất cao và lâu dài đối với công tác y tế. Đảng, Quốc hội, Chính phủ luôn coi công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân là một trong những ưu tiên hàng đầu.

Cùng với sự phát triển kinh tế xã hội, quy mô nền kinh tế đang mở rộng với tốc độ tương đối nhanh, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc gia tăng đầu tư cho lĩnh vực y tế. Bên cạnh đó, người dân có nhận thức tốt hơn về vai trò của sức khỏe và ý nghĩa thiết thực của các hoạt động bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe. Do vậy, việc khuyến khích tính tự chủ của người dân, gia đình và cộng đồng trong việc tối ưu hóa sức khỏe thuận lợi hơn.

Phó giáo sư Phan Lê Thu Hằng cũng chỉ rõ, hiện nay ngành y tế cũng đang phải đối mặt với sự kết hợp giữa những thách thức mang tính toàn cầu và những thách thức trong nội tại hệ thống y tế. Đó là sự gia tăng nhu cầu chăm sóc sức khỏe và kỳ vọng về chất lượng dịch vụ y tế; sự thay đổi mô hình bệnh tật với sự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm; tình trạng già hóa dân số; mối đe dọa ngày càng tăng của các bệnh dịch mới nổi và các tác nhân gây bệnh mới; tác động bất lợi của biến đổi khí hậu và công nghiệp hóa; xu hướng chi phí y tế ngày càng tăng cao.

Đại dịch COVID-19 dù đã qua đi nhưng vẫn đã để lại những tác động tiêu cực có quy mô rộng lớn, khiến tổng nhu cầu chăm sóc sức khỏe gia tăng mạnh sau giai đoạn bị gián đoạn trong tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế, nguồn cung hàng hóa phục vụ lĩnh vực y tế trở nên khan hiếm hơn và có chi phí cao hơn do sự đứt gẫy chuỗi cung ứng cũng như các chính sách bảo hộ thương mại.

Nguy cơ ngày càng cao và hiện hữu của cạnh tranh địa chính trị quốc tế, tranh chấp và chiến tranh thương mại, xung đột vũ trang… đang định hình lại chuỗi cung ứng toàn cầu, đảo ngược thành tựu hợp tác toàn cầu hóa, gia tăng các biện pháp bảo hộ thương mại và đảm bảo an ninh y tế quốc gia, đe dọa ảnh hưởng tới nguồn cung và giá cả các loại hàng hóa phục vụ chăm sóc sức khỏe trên phạm vi toàn cầu.

Bên cạnh đó, nhiều thách thức nội tại vẫn đang tồn tại ở các mức độ khác nhau, được xem là có ảnh hưởng tiêu cực tới hiệu quả vận hành chức năng chung của hệ thống y tế, bao gồm: Hệ thống cung ứng dịch vụ phân mảnh và thiếu cân bằng do dựa nhiều vào các dịch vụ bệnh viện; sự bất tương xứng giữa chăm sóc sức khỏe ban đầu và chăm sóc sức khỏe chuyên sâu còn bộc lộ rõ, gây ảnh hưởng tiêu cực tới hiệu quả sử dụng nguồn lực.

Mạng lưới y tế cơ sở dù có diện bao phủ rộng nhưng chưa đủ khả năng chăm sóc sức khỏe ban đầu hiệu quả theo mô hình mới; khả năng tiếp cận các bệnh viện trung ương, tuyến cuối về chuyên môn kỹ thuật ở một số khu vực còn hạn chế.

Trong lĩnh vực dân số, những thay đổi có tính quy luật khó đảo ngược về dân số học như suy giảm tổng tỷ suất sinh, già hóa dân số cộng với thực trạng sức khỏe tương đối hạn chế của người già tại Việt Nam dự kiến sẽ tạo ra gánh nặng chi phí chăm sóc sức khỏe trong tương lai không xa. Hệ thống y tế và các chính sách liên ngành chưa theo kịp những thay đổi với tốc độ nhanh và phức tạp về nhân khẩu học, tốc độ già hóa được đánh giá nhanh hơn tốc độ cải thiện hệ thống chăm sóc sức khỏe và an sinh xã hội cho người già.

Đặc biệt, hệ thống tài chính y tế vẫn đang trong quá trình chuyển đổi, chưa thực hiện thật sự hiệu quả các chức năng cơ bản của tài chính y tế, bao gồm huy động nguồn lực, phân bổ nguồn lực và sử dụng nguồn lực. Những hạn chế về cơ cấu và phân bổ nhân lực y tế chậm được khắc phục. Các chính sách phát triển nhân lực y tế phần nhiều mang tính ngắn hạn, giải quyết tình huống trước mắt; các chính sách dài hạn mang tính hệ thống... còn hạn chế. Dù các chỉ số sức khỏe cơ bản trung bình toàn quốc được cải thiện hàng năm, sự khác biệt về các chỉ số này giữa các vùng miền chưa được cải thiện...

6 cấu phần cơ bản của hệ thống y tế cần đổi mới

Trong giai đoạn phát triển mới, Giám đốc Dự án Đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống y tế tuyến cơ sở cho rằng toàn bộ 06 cấu phần cơ bản của hệ thống y tế đều cần được đổi mới, cải tiến liên tục theo hình xoắn ốc trong một khung cấu trúc thống nhất, đảm bảo sự tương tác hiệu quả giữa các thành tố này để tối ưu hóa tác động chung mong muốn.

Về công tác quản trị ngành y tế, Phó giáo sư Phan Lê Thu Hằng cho rằng cần đổi mới mạnh mẽ tư duy quản trị ngành y tế, kiên quyết chuyển đổi tư duy quản trị tuyến tính, quản trị dựa vào kinh nghiệm sang quản trị dựa trên bằng chứng khoa học, quản trị căn cứ vào kết quả, kiến tạo môi trường quản trị trong suốt, nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình.

Quán triệt quan điểm mới về phát triển Hệ thống Y tế, theo đó bên cạnh việc kế thừa định hướng công bằng, hiệu quả, chất lượng và hội nhập, cần chú trọng định nâng cao năng lực chống chịu và khả năng duy trì bền vững để đảm bảo năng lực thích ứng linh hoạt, hiệu quả của hệ thống y tế trong giai đoạn mới (vốn có nhiều yếu tố biến động phức tạp cũng như có nguy cơ về các cú sốc ảnh hưởng tới an ninh y tế). Từng bước chuyển đổi mô hình hệ thống y tế giá rẻ (có độ bao phủ rộng, chi phí thấp nhưng chất lượng hạn chế) sang mô hình hệ thống y tế hiệu quả với chi phí hợp lý (đảm bảo diện bao phủ rộng khắp, chất lượng được cải thiện liên tục với chi phí phù hợp với sự phát triển kinh tế xã hội).

Trong công tác dự báo, cần sử dụng tư duy hệ thống và năng lực dự báo nhằm nhận diện sớm và có giải pháp giảm thiểu những xu hướng phát triển lệch lạc của hệ thống y tế mà Tổ chức Y tế Thế giới đã cảnh báo về việc cung ứng dịch vụ y tế phân mảnh, hệ thống y tế dựa quá nhiều vào bệnh viện và thương mại hóa thiếu kiểm soát…

Về cung ứng dịch vụ y tế: Cần nâng cao năng lực cung ứng và cải thiện liên tục chất lượng dịch vụ y tế, đảm bảo việc cung ứng bền vững các dịch vụ y tế, đặc biệt là các dịch vụ y tế cơ bản có chất lượng, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của người dân, qua đó góp phần đảm bảo người dân được thụ hưởng những thành quả của quá trình đổi mới và phát triển của đất nước, đặc biệt là những dịch vụ cơ bản, mang lại lợi ích thiết thực, trực tiếp và có thể nhận biết được. Đó là các lĩnh vực như: y tế dự phòng, y tế cơ sở, an toàn thực phẩm, dân số, khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe bà mẹ-trẻ em, y học cổ truyền...

Trong lĩnh vực dược, cơ sở hạ tầng và công nghệ y tế cần nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước trong quản lý thuốc, vaccine và thiết bị y tế thông qua cải tiến quy trình quản lý, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin và bố trí nhân lực hợp lý. Thực hiện hiệu quả đấu thầu tập trung, đàm phán giá góp phần giảm chi phí thuốc; Xây dựng cơ chế tổ chức cung ứng, dự trữ, mua sắm đặc thù đối với các loại thuốc hiếm, thuốc điều trị bệnh hiếm. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp dược, dược liệu, trang thiết bị y tế.

Tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo ngành y tế. Cải thiện khả năng tiếp cận, nhận chuyển giao các sản phẩm công nghệ y tế có hàm lượng trí tuệ cao, công nghệ lõi, công nghệ nguồn. Tăng cường năng lực nghiên cứu cho các tổ chức nghiên cứu có thế mạnh như phòng chống dịch bệnh, ung thư, công nghệ sinh học, công nghiệp dược, vaccine...

Về nhân lực y tế: Ngành y tế đẩy mạnh tăng cường các nỗ lực phát triển nhân lực y tế ngang tầm với yêu cầu trong tình hình mới, cải thiện các khía cạnh chủ chốt liên quan tới phát triển nhân lực y tế, không chỉ bao gồm số lượng, chất lượng, cơ cấu, phân bổ, mà còn chú trọng tới hiệu quả sử dụng nhân lực và năng lực cạnh tranh. Từng bước biến nhân lực y tế từ điểm hạn chế trở thành lợi thế so sánh của hệ thống y tế Việt Nam.

Xây dựng và phát triển một số trường đại học đào tạo lĩnh vực sức khỏe trọng điểm ngang tầm với các nước trong khu vực và trên thế giới. Xây dựng cơ sở dữ liệu về nhân lực y tế làm cơ sở phân tích, dự báo nhu cầu nhân lực y tế; gắn đào tạo với sử dụng hiệu quả nhân lực y tế.

Trong lĩnh vực tài chính y tế: Đẩy mạnh các nỗ lực đổi mới tài chính y tế theo hướng mở rộng không gian huy động nguồn lực tài chính, phân bổ nguồn lực tài chính hợp lý và sử dụng nguồn lực tài chính hiệu quả nhằm đảm bảo nền tảng tài chính bền vững cho hệ thống y tế, cải thiện khả năng tiếp cận dịch vụ y tế (trên khía cạnh tài chính) cũng như cải thiện khả năng bảo vệ tài chính khi gặp vấn đề sức khỏe của người dân. Ngành y tế tiếp tục đổi mới cơ chế tài chính của các đơn vị sự nghiệp y tế công lập. Xây dựng giá dịch vụ y tế dự phòng; thực hiện giá dịch vụ y tế theo lộ trình tính đúng, tính đủ. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, xây dựng lộ trình điều chỉnh mức đóng bảo hiểm y tế phù hợp; Hoàn thiện phương thức chi trả theo định suất, trọn gói theo trường hợp bệnh; Nghiên cứu từng bước mở rộng phạm vi quyền lợi bảo hiểm y tế.

Về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số trong ngành y tế: Hình thành nền y tế thông minh với ba nội dung chính là phòng bệnh thông minh, khám chữa bệnh thông minh và quản trị y tế thông minh, ưu tiên hoàn thiện hành lang pháp lý, hệ thống hướng dẫn kỹ thuật, hạ tầng công nghệ thông tin và chất lượng nhân lực. Thực hiện hiệu quả việc kiến tạo và liên tục làm giàu tài nguyên dữ liệu, khai thác tài nguyên dữ liệu, và đảm bảo an ninh tài nguyên dữ liệu…

Bình luận
Chùm ảnh: Các màn trình diễn bùng nổ của Anh trai "Say Hi" tại đêm trại FPTU Camp lần thứ 5
Chùm ảnh: Các màn trình diễn bùng nổ của Anh trai "Say Hi" tại đêm trại FPTU Camp lần thứ 5
(Ngày Nay) - Chiều ngày 30/3/2025, từ 4 giờ chiều, đêm trại FPTU Camp #5 tại Trường Đại học FPT Hà Nội chính thức khởi động, mang đến những màn trình diễn đầy lửa làm bùng nổ không gian. Phỏng vấn nhanh các bạn sinh viên, được biết từ 9 giờ sáng, đã có hàng ngàn học sinh, sinh viên trên địa bàn Hà Nội có mặt, háo hức tham quan các gian trại và tìm kiếm vị trí gần sân khấu nhất có thể để chiêm ngưỡng thần tượng của mình. 
Em Xinh “Say Hi”: Hành trình tìm kiếm thế hệ nữ idol “Real Aura”
Em Xinh “Say Hi”: Hành trình tìm kiếm thế hệ nữ idol “Real Aura”
(Ngày Nay) - Sau thành công vang dội của Anh Trai “Say Hi”, VieON - Vie Channel, thuộc DatVietVAC Group Holdings với 30 năm sáng tạo, tiếp tục hành trình khai phá tài năng trẻ qua Em Xinh “Say Hi” - chương trình âm nhạc thực tế tìm kiếm thế hệ nữ idol mới của VPOP. Đây là những cô gái sở hữu Real Aura - khí chất tỏa sáng tự nhiên, cháy hết mình trong âm nhạc, không ngừng vượt qua giới hạn và biến hóa trong nghệ thuật, nhưng vẫn giữ vững giá trị cốt lõi của người con gái Việt. 
Học sinh lớp 12 "chạy đua" với kỳ thi đánh giá năng lực
Học sinh lớp 12 "chạy đua" với kỳ thi đánh giá năng lực
(Ngày Nay) - Thời điểm này cùng với ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông, nhiều sĩ tử lớp 12 ở Nghệ An đang nỗ lực ôn tập để chuẩn bị cho các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy. Tuy nhiên, để giành được một suất dự thi kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy đối với các em cũng không hề dễ dàng.
Từ di sản đến thị trường: Bước chuyển mình của âm nhạc Caribe
Từ di sản đến thị trường: Bước chuyển mình của âm nhạc Caribe
(Ngày Nay) - Caribe nổi tiếng với di sản âm nhạc giàu bản sắc và sôi động. Tuy nhiên, vẫn tồn tại một khoảng cách lớn giữa việc tôn vinh di sản này và khả năng thương mại hóa hiệu quả trong ngành công nghiệp âm nhạc toàn cầu. Nhận ra sự thiếu kết nối này, ông Farley Joseph – với 15 năm kinh nghiệm trong giáo dục âm nhạc – đã khởi xướng một sứ mệnh nhằm thu hẹp khoảng cách đó.
Khám phá di sản văn hóa Sasak 600 năm tuổi ở đảo Lombok
Khám phá di sản văn hóa Sasak 600 năm tuổi ở đảo Lombok
(Ngày Nay) - Nép mình giữa những ngọn đồi xanh mướt trên hòn đảo Lombok xinh đẹp và kỳ bí của đất nước vạn đảo Indonesia, ngôi làng Karang Bayan ở Lingsar, Tây Lombok, tỉnh Tây Nusa Tenggara, vẫn giữ được vẻ tĩnh lặng qua hàng thế kỷ.
Tác động tích cực của việc học bán trú tại Síp
Tác động tích cực của việc học bán trú tại Síp
(Ngày Nay) - Kết quả đánh giá về sáng kiến trường học cả ngày (bán trú) tại cấp trung học cơ sở đa văn hóa ở Síp cho thấy rằng việc kéo dài thời gian học với các hoạt động được thiết kế phù hợp không chỉ cải thiện thành tích học tập mà còn nâng cao phúc lợi của học sinh.
Động đất có độ lớn 7,3 tại Tonga, cảnh báo nguy cơ sóng thần
Động đất có độ lớn 7,3 tại Tonga, cảnh báo nguy cơ sóng thần
(Ngày Nay) -  Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS), vào lúc 12h 18 phút theo giờ GMT (tức 19h 18 phút theo giờ Việt Nam) ngày 30/3, một trận động đất có độ lớn 7,3 đã xảy ra tại vị trí cách đảo chính của Tonga khoảng 100km về phía Đông Bắc. Chấn tiêu của trận động đất ở độ sâu 55km.