Đại dịch COVID-19 ngày càng được kiểm soát tốt hơn, hầu hết các quốc gia tại khu vực châu Á đã loại bỏ những biện pháp kiểm soát dịch nghiêm ngặt. Hồi tháng 9, Hàn Quốc đã dỡ bỏ quy định về việc đeo khẩu trang tại khu vực ngoài trời và bãi bỏ quy định xét nghiệm bắt buộc đối với khách du lịch đến nước này. Vào ngày 11/10, Nhật Bản cũng đã dừng yêu cầu kiểm tra chứng nhận tiêm ít nhất một mũi vaccine tăng cường trước khi khởi hành đối với những du khách nước ngoài, và mở cửa hoàn toàn biên giới lần đầu tiên kể từ năm 2020.
Đa số các quốc gia đã tiếp cận vấn đề này một cách nhẹ nhàng, linh hoạt hơn bởi đại dịch COVID-19 giờ đây được coi là một bệnh đặc hữu và hoàn toàn có thể kiểm soát được. Việc kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt như trước đây có thể khiến các nước phải trả cái giá rất đắt.
Tuy nhiên, trong bối cảnh nhiều quốc gia trở về trạng thái “bình thường mới” sau đại dịch, Trung Quốc lại tăng cường gấp đôi các biện pháp phòng dịch theo chiến lược “Zero-COVID”. Nước này tiếp tục theo đuổi các biện pháp kiểm soát biên giới nghiêm ngặt, bao gồm đóng cửa các sân bay và không gian công cộng, thậm chí phong toả khu vực phát hiện ca nhiễm bệnh ở quy mô toàn thành phố.
Trước thềm Đại hội Đảng lần thứ XX, giới chức nước này muốn tiếp tục theo đuổi chiến lược “Zero-COVID” nhằm tránh các đợt bùng phát dịch bệnh và bảo toàn thành quả chính trị của mình. Tuy nhiên, theo đuổi chiến lược này cũng khiến Trung Quốc phải đối mặt với hàng loạt vấn đề.
Việc các đại đô thị như Thượng Hải bị phong toả trong thời gian dài không chỉ tàn phá nền kinh tế Trung Quốc - vốn được cho là khó đạt được các mục tiêu tăng trưởng đã đề ra - mà còn kéo theo sự bất bình trong xã hội. Ngoài ra, chính phủ Trung Quốc không triển khai các giải pháp y tế như cấp phép sử dụng vaccine mRNA, hay ưu tiên tiêm chủng cho người cao tuổi. Điều này đồng nghĩa với việc người dân vẫn dễ bị tổn thương trong các đợt bùng phát dịch mới.
Tình trạng này khiến chính phủ Trung Quốc đang phải đối mặt với một tình thế “tiến thoái lưỡng nan”. Một mặt, chiến lược “Zero-COVID” không nhận được sự đồng thuận của một số quan chức trong nước và phải chịu nhiều áp lực từ phía dư luận quốc tế. Mặt khác, yếu tố chính trị, cũng như việc thiếu một giải pháp thay thế hiệu quả, rõ ràng khiến Bắc Kinh không có lựa chọn nào khác.
Sự kiên định của chính quyền Bắc Kinh gây ra rất nhiều thắc mắc. Thay vì theo đuổi một chiến lược chống dịch kém hiệu quả, Trung Quốc nên nhìn nhận vấn đề ở góc độ khoa học và bỏ qua yếu tố chính trị. Nếu như Trung Quốc thực hiện các biện pháp phòng chống COVID-19 giống như các quốc gia láng giềng tại khu vực châu Á, nó sẽ giúp người dân nước này trở về trạng thái “bình thường mới”, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế.
Nhưng nếu các nhà lãnh đạo Trung Quốc không thay đổi cách tiếp cận, quốc gia tỷ dân này sẽ phải đối mặt với các đợt bùng phát không hồi kết. Tình trạng này cũng có thể sẽ đe dọa đến sự ổn định xã hội, kinh tế và thậm chí là cả sự ổn định chính trị về lâu dài.
Động lực triển khai
Mặc dù ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy chiến lược “Zero-COVID” thiếu hiệu quả và tồn tại nhiều vấn đề, nhưng chính phủ Trung Quốc có lý do để tiếp tục triển khai chiến lược này. Thứ nhất, thay đổi cách tiếp cận phòng dịch và từ bỏ chiến lược “Zero-COVID” có thể kéo Trung Quốc vào một cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng. Kể từ khi đại dịch bùng phát, nước này đã áp dụng các biện pháp mạnh nhằm kiểm soát tình hình, điều đó đồng nghĩa với việc phần lớn dân số Trung Quốc chưa từng bị nhiễm virus SARS-CoV-2, và họ sẽ rất dễ mắc bệnh nếu như chính quyền Bắc Kinh dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt.
Theo số liệu chính thức, đến nay Trung Quốc đã ghi nhận 996.000 ca mắc. Con số này cho thấy tỷ lệ người dân nước này mắc COVID–19 là rất nhỏ so với quy mô dân số và do đó mang khả năng miễn dịch tự nhiên. Trên thực tế, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc cho rằng “lựa chọn khả quan duy nhất của Trung Quốc là bảo đảm miễn dịch cộng đồng nhờ chiến khai tiêm chủng vaccine phòng ngừa”.
Tuy nhiên, vaccine ngừa COVID-19 cũng là một vấn đế đáng lo ngại của Trung Quốc. Mặc dù tính đến tháng 3/2022, gần 90% dân số nước này đã tiêm hai liều vaccine nội địa, nhưng sau 6 tháng lượng kháng thể được ghi nhận đã giảm xuống mức rất thấp. Vì vậy, giới chức Trung Quốc luôn lo ngại rằng nới lỏng chính sách phòng dịch có thể kéo theo sự gia tăng các ca nhiễm COVID–19, gây áp lực lớn lên hệ thống chăm sóc sức khỏe của nước này.
Nếu kịch bản xấu nhất xảy ra, dịch bệnh có thể khiến rất nhiều người thiệt mạng vì không được chăm sóc y tế kịp thời và hệ quả sau đó là tình trạng bất ổn xã hội nghiêm trọng. Mặc dù trường hợp xấu nhất có thể sẽ không xảy ra, nhưng không thể bỏ qua, đặc biệt là khi hệ thống y tế ở các vùng nông thôn Trung Quốc còn khá yếu.
Thứ hai, dù xuất hiện ngày càng nhiều những ý kiến bất bình, phản đối chiến lược “Zero-COVID”, chính quyền Bắc Kinh cho rằng một bộ phận lớn người dân, đặc biệt là cộng đồng ở các thành phố nhỏ và các khu vực nông thôn, vẫn ủng hộ mạnh mẽ chính sách này. Người dân Trung Quốc tin rằng chiến lược chống dịch nghiêm ngặt đã giúp nước này cân bằng được giữa tăng trưởng kinh tế và phòng ngừa, kiểm soát đại dịch.
Họ cho rằng chiến lược này đã bảo vệ đất nước khỏi sự tàn phá của đại dịch, tránh được những ảnh hưởng tiêu cực mà các quốc gia khác trên thế giới đã phải hứng chịu. Do đó, nếu Bắc Kinh tiến hành nới lỏng các biện pháp phòng dịch mà không thể đảm bảo an toàn cho người dân, đặc biệt là những người lớn tuổi, sự tin tưởng, tín nhiệm của người dân dành cho chính quyền có thể sẽ bị suy giảm đáng kể.
Lý do cuối cùng khiến Trung Quốc kiên định theo đuổi chiến lược “Zero-COVID” liên quan đến một sự kiện chính trị lớn sắp diễn ra của nước này, đó là Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XX. Trước thềm Đại hội, Trung Quốc đang tập trung xem xét công tác cán bộ, cũng như xây dựng các định hướng chính sách lớn cho nhiệm kỳ tiếp theo, việc thay đổi chiến lược phòng chống dịch tại thời điểm này là không phù hợp.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Tập Cận Bình từng gửi đi một thông điệp rõ ràng và nhất quán rằng ưu tiên hàng đầu trong nước hiện nay của ông là nhiệm vụ phòng chống COVID–19 và chiến lược “Zero-COVID” đã được triển khai theo đúng kế hoạch đã đề ra. Bất kỳ thay đổi nào có thể khiến mọi thứ bị xáo trộn, và khiến dư luận trong nước hoài nghi định hướng chính sách của Trung Quốc thiếu tính ổn định.
Với những lý do kể trên, Trung Quốc luôn kiên định theo đuổi chiến lược “Zero-COVID” và không thực hiện bất cứ sự thay đổi nào với các biện pháp phòng dịch đã được đề ra. Tuy nhiên, liệu sau khi Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc kết thúc, nước này có tiếp tục thực hiện chính sách này không, vẫn là một câu hỏi nhận được nhiều sự quan tâm.
Cản trở tăng trưởng kinh tế
Một trong những nhiệm vụ quan trọng trong nhiệm kỳ mới của lãnh đạo Trung Quốc là vấn đề kiểm soát, quản lý đại dịch COVID–19. Những hệ luỵ từ cuộc khủng hoảng bất động sản tồi tệ nhất trong lịch sử Trung Quốc, cùng chiến lược “Zero-COVID” đã gây ra những thiệt hại nghiêm trọng, cản trở đà tăng trưởng của nước này. Chính điều đó khiến những lựa chọn của chính quyền Bắc Kinh gặp nhiều hạn chế hơn.
Theo số liệu đã được tổng hợp từ nhà nghiên cứu Zheng Yuhuang đến từ Đại học Thanh Hoa, trong nửa đầu năm 2022, 460.000 công ty Trung Quốc đã ngừng hoạt động, và 3.1 triệu doanh nghiệp tư nhân đã đóng cửa. Trong quý II/2022, mức tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đã giảm xuống chỉ còn 0,4%. Hiện nay, hầu hết các tổ chức tài chính quốc tế lớn đã hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc trong năm 2022.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cũng dự báo tăng trưởng GDP nước này chỉ ở mức 3,5%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 5,5% mà chính phủ đặt ra hồi đầu năm. Suy thoái kinh tế cũng ảnh hưởng đến ngân sách tài chính địa phương ở nhiều khu vực tại Trung Quốc. Ngoại trừ Thượng Hải, tất cả 31 khu vực cấp tỉnh của nước này đều ghi nhận thâm hụt ngân sách trong 7 tháng đầu năm 2022, đặt ra vấn đề về nguồn chi phí triển khai chiến lược “Zero-COVID”. Ngân hàng Trung Quốc ước tính chi phí xét nghiệm PCR định kỳ cho 2/3 dân số Trung Quốc có thể lên tới 700 tỷ nhân dân tệ mỗi năm (tương đương gần 100 tỷ USD).
Hiện nay, nền kinh tế Trung Quốc vẫn trụ vững, phần lớn nhờ vào hoạt động xuất khẩu tăng trưởng mạnh và đời sống ở một số khu vực của nước này không chịu nhiều tác động bởi chiến lược “Zero-COVID”.
Tuy nhiên, ở một góc độ khác, nhu cầu bên ngoài đối với hàng hóa từ Trung Quốc, các đơn đặt hàng quốc tế đã giảm đi đáng kể. Ngoài ra, việc phát hiện một số ca nhiễm rải rác ở nhiều nơi trên khắp cả nước nước cũng khiến cả khu vực bị phong toả, gây ảnh hưởng trực tiếp đến tiến trình phục hồi và phát triển kinh tế của quốc gia tỷ dân.
Truyền thông Trung Quốc đưa tin hồi đầu tháng 9, các ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận tại hơn 100 thành phố, đây là “đợt tái bùng phát dịch ở quy mô rộng nhất trong 2 năm qua”. Theo đó, Trung Quốc đã ghi nhận hơn 3.500 khu vực có nguy cơ cao hoặc rất cao, con số cao nhất được ghi nhận kể từ khi hệ thống phân loại rủi ro của nước này được thiết lập vào tháng 2/2020. Những đợt bùng phát dịch như vậy cho thấy chiến lược “Zero-COVID” đang dần mất hiệu quả và bộc lộ rõ những yếu điểm.
Nếu chính phủ Trung Quốc kiên trì đóng cửa toàn bộ thành phố, các khu đô thị mỗi khi phát hiện vài trường hợp nhiễm bệnh, suy thoái kinh tế nhiều khả năng sẽ trở thành một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn diện, trong đó nhu cầu tiêu dùng trong nước, cũng như lượng lớn vốn đầu tư nước ngoài sẽ suy giảm mạnh và tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ duy trì ở con số “không”.
Hiện tại, nền kinh tế trì trệ của Trung Quốc đã đẩy tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên lên 20%, mức cao nhất từng được ghi nhận kể từ tháng 1/ 2018, đây được xem là mối đe dọa tiềm tàng đối với sự ổn định xã hội của nước này. Trước những thách thức ngày càng gia tăng, một câu hỏi được đặt ra: Làm thế nào để chính phủ Trung Quốc dừng triển khai chiến lược “Zero-COVID” mà không làm suy yếu sự tín nhiệm của người dân?
Dịch chuyển chiến lược
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc hiểu rằng họ cần phải nới lỏng các biện pháp phòng dịch nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, nhưng họ cũng lo ngại rằng bước đi ấy sẽ kéo theo cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, nếu như chiến lược này được từng bước dịch chuyển và được triển khai một cách có kế hoạch, có chuẩn bị tốt, viễn cảnh đó sẽ khó có thể xảy ra.
Trước tiên, chính phủ Trung Quốc cần giúp người dân thay đổi tư duy, cách tiếp cận và cách hiểu về đại dịch. Họ cần cung cấp thông tin về mức độ nguy hiểm căn bệnh này, cũng như các phương pháp điều trị, bởi giờ đây COVID–19 có thể được xem như một bệnh đặc hữu, tuyên truyền người dân chấp nhận sống chung với COVID-19.
Quá trình này có thể được thực hiện dễ dàng hơn nếu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông báo rằng WHO không còn coi dịch COVID–19 là “tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng được quốc tế quan tâm”. Tuyên bố như vậy sẽ giúp Bắc Kinh có thêm cơ sở khoa học để thay đổi cách tiếp cận của mình.
Để ngăn hệ thống chăm sóc sức khỏe rơi vào tình trạng bị quá tải, chính phủ Trung Quốc có thể thực hiện phân loại bệnh nhân, giống như cách một số quốc gia khác đã áp dụng. Trong đó, những trường hợp nặng sẽ được điều trị tại bệnh viện, những người mắc bệnh nhẹ hoặc không có triệu chứng sẽ tự điều trị tại nhà, hoặc được chuyển đến các trung tâm cách ly tạm thời nếu không đủ điều kiện.
Trung Quốc cũng nên loại bỏ quy định khai báo y tế và kiểm soát di chuyển người bệnh thông qua mã QR để xác định nguy cơ lây nhiễm. Điều này sẽ giúp hạn chế hoạt động xét nghiệm PCR do nhà nước kiểm soát và khuyến khích được người dânn tự sử dụng các bộ xét nghiệm nhanh tại nhà.
Để giảm thiểu sự sợ hãi và hoang mang khi số ca bệnh có dấu hiệu gia tăng, chính quyền Bắc Kinh nên ngừng cập nhật thông tin về số ca nhiễm mới và tử vong mỗi ngày. Bên cạnh đó, thay vì chi hàng tỷ đô la triển khai chiến lược “Zero-COVID”, Bắc Kinh nên cấp phép sử dụng đa dạng các loại vaccine, và nghiên cứu các phương pháp điều trị biến thể Omicron hiệu quả hơn.
Sau Đại hội Đảng lần thứ XX, Trung Quốc được kỳ vọng sẽ thay đổi chiến lược cũng như cách tiếp cận vấn đề kiểm soát đại dịch COVID-19. Đó sẽ là giải pháp giúp cho nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới sớm phục hồi và trở lại đúng quỹ đạo phát triển đi lên.