Ông Jan Egeland - Tổng thư ký của tổ chức Hội đồng Người tị nạn Na Uy, cho biết một “cơn bão hoàn hảo” của xung đột, thiên tai và những tác động liên tục của đại dịch COVID-19 đã kết hợp lại để gây ra “sự dịch chuyển ở quy mô chưa từng thấy trước đây”.
Một cuộc khủng hoảng an ninh lương thực toàn cầu, được thúc đẩy bởi cuộc xung đột ở Ukraine, chỉ làm tăng thêm gánh nặng cho những người phải rời bỏ nhà cửa.
Gần 3/4 số người di cư quốc tế trên thế giới chỉ sống ở 10 quốc gia, bao gồm Syria, Afghanistan, Ukraine, Sudan và Cộng hòa Dân chủ Congo.
Đây là những người buộc phải di cư bên trong biên giới quốc gia của họ thay vì chạy trốn ra nước ngoài.
Hiện tượng khí hậu La Niña, vốn kéo dài tới năm 2022, cũng là nguyên nhân chính dẫn đến việc nhiều người phải rời bỏ nhà cửa.
Báo cáo của Hội đồng Người tị nạn Na Uy cho biết, hiện tượng thời tiết cực đoan này đã góp phần đẩy các đợt lũ lụt lên mức kỷ lục ở Pakistan, Nigeria và Brazil, đồng thời gây ra tình trạng hạn hán tồi tệ nhất được ghi nhận ở Somalia, Kenya và Ethiopia.
Ở Ukraine, có tới 5,9 triệu người đã phải rời bỏ quê hương để chạy trốn chiến tranh, nâng tổng số người phải di tản trong nước do xung đột và bạo lực trên thế giới lên hơn 62 triệu người. Sau hơn một thập kỷ nội chiến, hiện Syria có 6,8 triệu người thuộc diện di cư trong nước.
Mặc dù báo cáo này chưa tính số liệu của năm 2023, nhưng Hội đồng Người tị nạn Na Uy cho rằng con số trong năm tiếp theo sẽ không suy giảm. Ít nhất 700.000 người đã phải di dời trong nước ở Sudan sau khi các lực lượng quân sự đối đầu giành quyền lực.