Theo tin tức trên tờ Mirror, các nhà nghiên cứu đã khám phá ra nguyên nhân vì sao chim cánh cụt không bị đóng băng dù vừa mới từ dưới nước lên, trong điều kiện nhiệt độ âm 40 độ C.
Chim cánh cụt có thể giúp ngăn chặn máy bay gặp nạn trong điều kiện khí hậu lạnh giá. Ảnh: Getty Images |
Nếu như phát hiện này được ứng dụng vào trong ngành công nghiệp sản xuất máy bay, nó có thể giúp cánh các máy bay thương mại không bị đóng băng. Tất cả các loài chim cánh cụt đều có lớp dầu ở phần lông bên ngoài giúp ngăn thấm nước.
Theo kỹ sư hàng không, loài chim cánh cụt ở những vùng lạnh giá nhất có lớp lông chống nước hiệu quả nhất.
Giáo sư Pirouz Kavehpour đã tiến hành dự án nghiên cứu sau khi xem đoạn phim tài liệu về chim cánh cụt và tự hỏi vì sao chúng không bị đóng băng trên cơ thể.
Nhóm nghiên cứu đã thu thập lông chim từ nhiều loài chim cánh cụt khác nhau và nhận thấy sự khác biệt rõ rệt.
Giáo sư Kavehpour chia sẻ: “Dòng nhiệt độ trên cơ thể chim cánh cụt bị hạn chế tiếp xúc với lớp lông dày. Giống như hệ thống đường giao thông vậy. Đường cao tốc biến thành đường nhỏ có 2 làn sẽ khiến giao thông bị đình trệ”.
Nhiều vụ tai nạn xảy ra đối với ngành hàng không vì phần cánh máy bay bị đóng băng. Ảnh: PA. |
Nguyên tắc tương tự cũng có thể được áp dụng đối với phần cánh máy bay. Lớp băng đóng trên cánh máy bay có thể tác động đến yếu tố khí động học, là một trong những nguyên nhân gây nên tai nạn.
Một số hóa chất được sử dụng để làm tan băng trong mùa đông nhưng đây là mọt quá trình tốn kém và không hề đơn giản. Nghiên cứu hy vọng có thể tái tạo bề mặt siêu chống thấm (superhydrophobic) trên cơ thể chim cánh cụt lên các máy bay thương mại.
Kết quả nghiên cứu sẽ được công bố tại một hội nghị vật lý ở Mỹ trong tuần này. “Bề mặt siêu chống thấm lấy ý tưởng từ chim cánh cụt sẽ giúp giảm chi phí, tăng hiệu quả và thân thiện hơn với môi trường”.
“Thật bất ngờ rằng một loài chim không hề biết bay một ngày nào đó lại giúp cho các máy bay trở nên an toàn hơn”.