'Chính phủ sẽ thúc đẩy các mô hình kinh doanh mới, kinh tế ban đêm'

Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP giai đoạn 2021-2025 đạt khoảng 6,7-7%/năm. Một trong những nhiệm vụ chính là thúc đẩy các loại hình kinh doanh mới.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm sắp tới là tận dụng tốt hơn, hiệu quả hơn các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm sắp tới là tận dụng tốt hơn, hiệu quả hơn các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do.

Sáng 20/10, tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội cuối cùng của năm 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày một số mục tiêu cụ thể về kinh tế - xã hội cho giai đoạn 5 năm tới.

Một trong những nội dung đáng chú ý được Thủ tướng nhấn mạnh là giai đoạn tới sẽ thúc đẩy kinh tế số, kinh tế ban đêm và các mô hình kinh doanh mới.

Mục tiêu tổng quát giai đoạn 2021-2025 và năm 2021 được Thủ tướng nhấn mạnh là phải phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược và cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.

15 chỉ tiêu cho 5 năm tới

Việt Nam sẽ tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Phấn đấu đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.

Riêng trong năm 2021 và những năm đầu của giai đoạn 2021-2025, tiếp tục tập trung thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa tận dụng tốt các cơ hội, nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới.

Thủ tướng cho biết Chính phủ xin trình Quốc hội 12 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.

Trong đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6%; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng khoảng 45-47%; năng suất lao động xã hội tăng khoảng 4,8%.

Ngoài ra, tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 66%; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế khoảng 91%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm 1-1,5 điểm phần trăm; tỷ lệ che phủ rừng khoảng 42%... 

Trong giai đoạn 2021-2025, dự kiến có 15 chỉ tiêu chủ yếu. Trong đó tốc độ tăng trưởng GDP bình quân khoảng 6,5-7%. Đến năm 2025, GDP bình quân đầu người đạt 4.700-5.000 USD (108-115 triệu đồng). Tỷ trọng kinh tế số đạt khoảng 20% GDP; tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng khoảng 45%.

Chính phủ đặt mục tiêu năng suất lao động tăng bình quân trên 6,5%/năm; tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2025 là 70%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm 1-1,5 điểm phần trăm/năm; tỷ lệ che phủ rừng ổn định 42%...

10 nhóm giải pháp

Để đặt được những chỉ tiêu trên, Chính phủ đề ra 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. 

Thứ nhất, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các biện pháp phòng chống và giảm thiểu thiệt hại do đại dịch Covid-19. Trong thời gian đầu của giai đoạn 2021-2025 khi còn dịch bệnh, tiếp tục tập trung thực hiện “mục tiêu kép”. Thủ tướng nhấn mạnh tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch. Tiếp tục củng cố trạng thái bình thường mới, vừa phục hồi và phát triển kinh tế, vừa sẵn sàng phòng chống dịch.

'Chính phủ sẽ thúc đẩy các mô hình kinh doanh mới, kinh tế ban đêm' ảnh 1

Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2025, GDP bình quân đầu người đạt 4.700-5.000 USD (108-115 triệu đồng).

Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Chú trọng kích cầu tiêu dùng, phát triển hệ thống phân phối trong nước và xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam. Tận dụng tốt hơn, hiệu quả hơn các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do.

Thứ ba, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Tiếp tục chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tăng năng suất lao động trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; thúc đẩy phát triển kinh tế số; phát triển mạnh thương mại điện tử, các mô hình kinh doanh mới, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, kinh tế ban đêm…

Thứ tư, tăng cường huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; đẩy mạnh triển khai các dự án kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội trọng điểm. Tập trung đầu tư và đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án giao thông quan trọng, trong đó có các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông, Cảng hàng không quốc tế Long Thành và các tuyến đường sắt đô thị...

Thứ năm, nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. 

Thứ sáu, phát huy giá trị văn hoá, con người Việt Nam và sức mạnh toàn dân tộc, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân. Gắn kết chặt chẽ, hài hoà giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa và thực hiện tiến bộ công bằng xã hội. 

Thứ bảy, quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên, chú trọng bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó hiệu quả biến đổi khí hậu và phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai. 

Thứ tám, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và giải quyết khiếu nại, tố cáo. 

Thứ chín, củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế, tạo môi trường hoà bình và điều kiện thuận lợi cho phát triển đất nước. 

Thứ mười, đẩy mạnh thông tin truyền thông, tạo đồng thuận xã hội. Tập trung thông tin tuyên truyền về đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các sự kiện lớn, đặc biệt là Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp. 

“Phải khơi dậy lòng yêu nước, tự hào dân tộc và khát vọng phát triển đất nước”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Zing
Theo thước đo của Liên hợp quốc, các quốc gia có hơn 7% dân số từ 65 tuổi trở lên được coi là xã hội già hóa, trên 14% là “xã hội già,” trong khi trên 20% là “xã hội siêu già." Nguồn: The Korea Times
Hàn Quốc chính thức trở thành xã hội "siêu già"
(Ngày Nay) - Tính đến ngày 23/12, Hàn Quốc có 10,24 triệu người từ 65 tuổi trở lên, chiếm 20% tổng dân số 51,22 triệu người của cả nước, chính thức trở thành xã hội "siêu già theo thước đo của Liên hợp quốc.
Tiết mục xiếc thú vui nhộn nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ phía các bạn nhỏ (Ảnh: Vân Hương).
Xiếc Việt nỗ lực chuyển mình trong kỷ nguyên mới
(Ngày Nay) - Những năm gần đây, nghệ thuật xiếc Việt Nam đã mạnh dạn sáng tạo và tìm tòi những cách thức độc đáo để “làm mới”. Loại hình nghệ thuật này đang dần khẳng định sức hút riêng và trở thành điểm sáng trong bức tranh nghệ thuật nước nhà.