Ngày 13/7, ông Phạm Hồng Sơn - Giám đốc ban quản lý dự án 2, đơn vị đại diện chủ đầu tư dự án đường ôtô vượt biển dài nhất Việt Nam Tân Vũ - Lạch Huyện (Hải Phòng) cho biết: "Các bên liên quan đang xử lý một số hạng mục khiếm khuyết của dự án theo ý kiến của Hội đồng nghiệm thu nhà nước".
Theo ông Sơn, dự án chưa được nghiệm thu chính thức để khai thác. Công trình xây dựng trên biển, điều kiện địa hình rất phức tạp nên ảnh hưởng đến thi công, tuy nhiên dự án vẫn được kiểm soát chất lượng theo thiết kế.
"Công trình chỉ đưa vào khai thác khi các hạng mục được nghiệm thu đầy đủ, đảm bảo yêu cầu theo quy định", ông Sơn nói và thông tin thêm, với những hạng mục còn khiếm khuyết, Ban quản lý dự án 2 sẽ xử lý nghiêm trách nhiệm của nhà thầu, tư vấn giám sát và các đơn vị liên quan.
Dự kiến ngày 14/7, lãnh đạo Bộ Giao thông sẽ họp với các bên để mổ xẻ những vấn đề liên quan nhằm có giải pháp xử lý triệt để.
Thứ trưởng Giao thông Nguyễn Văn Công cho biết, tuần này, lãnh đạo Bộ sẽ trực tiếp kiểm tra công trình. Bộ cũng có văn bản yêu cần Ban Quản lý dự án 2 giải trình về các sai sót kỹ thuật.
Trước đó, theo báo cáo của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng, dự án đường ôtô vượt biển dài nhất Việt Nam có một số sai sót kỹ thuật. Cụ thể, lớp bê tông nhựa một số vị trí trên mặt cầu không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về độ bằng phẳng, thi công mối nối dọc chưa tốt; bề mặt tồn tại nhiều vệt lu lốp, một số vị trí bề mặt bêtông nhựa rời rạc, độ rỗng lớn.
Cầu sông Cấm thi công một dầm T không đảm bảo kích thước hình học theo thiết kế, nên khi lắp đặt bị vượt cao độ khoảng 5 cm so với các dầm còn lại. Ngoài ra, nền đường đầu cầu Sông Cấm vẫn tiếp tục lún so với dự báo của thiết kế...
Dự án đường ôtô Tân Vũ - Lạch Huyện dài 15 km gồm 5,4 km cầu vượt biển, 10 km đường dẫn qua các quận Hải An và huyện Cát Hải (Hải Phòng). Tổng mức đầu tư dự án là 11.800 tỷ đồng, trong đó vốn vay ODA Nhật Bản là 10.000 tỷ đồng, vốn đối ứng của Việt Nam 1.800 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành, đây sẽ là cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam.