Đại diện Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai; Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn; đại diện Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế; Hội Chữ thập đỏ 63 tỉnh, thành phố đã tham dự.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Vũ Thanh Lưu cho biết, những năm gần đây, thiên tai, thảm họa trên thế giới ngày càng khốc liệt, gây ra những tổn thất to lớn về kinh tế-xã hội, cướp đi nhiều sinh mạng, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống người dân.
Hoạt động phòng ngừa, ứng phó thảm họa của Hội đã chuyển mạnh sang hỗ trợ phòng ngừa, tham gia xây dựng cộng đồng an toàn; ứng dụng mô hình Hành động sớm; hoàn thiện và chuyển giao các mô hình hiệu quả phòng, chống thiên tai dựa vào cộng đồng. Hội đã xây dựng và hàng năm đều kiện toàn Đội Ứng phó thảm họa quốc gia; hoàn thiện Quy trình cứu trợ khẩn cấp; Quy định hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai; tổ chức thực hiện vận động trong và ngoài nước ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh.
Theo ông Vũ Thanh Lưu, năm 2023, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia dự báo sẽ có khoảng 12-14 cơn bão mạnh và áp thấp nhiệt đới, trong đó có khoảng 4-6 cơn ảnh hưởng đến đất liền, lượng mưa năm nay có xu hướng gia tăng, có thể gây ra hiện tượng mưa lớn cực đoan gây lũ, ngập lụt cục bộ, nhất là khu vực miền Trung. Tình hình dịch COVID-19 vẫn chưa kiểm soát hoàn toàn và đang có xu thế gia tăng số lượng ca mắc…
Phó Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đề nghị Hội nghị tập trung đánh giá kết quả phòng ngừa, ứng phó thảm họa của Hội trong năm 2022, những điểm mạnh, hạn chế, chia sẻ những bài học kinh nghiệm, mô hình hiệu quả của Hội Chữ thập đỏ các tỉnh, thành phố, các tổ chức trong nước và quốc tế; đồng thời thảo luận các giải pháp nhằm thực hiện tốt các kế hoạch và nhiệm vụ phòng ngừa, ứng phó thảm họa năm 2023 của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe giới thiệu các mô hình hỗ trợ người dân ứng phó với thiên tai, các giải pháp giảm thiểu rủi ro do thiên tai gây ra, bài học kinh nghiệm ứng phó thảm họa…do đại diện Hội Chữ thập đỏ các tỉnh, thành phố và Hiệp hội Chữ thập đỏ, Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế trình bày.
Từ ngày 1/1/2022 đến 28/2/2023, cả nước đã xảy ra 7.942 vụ thiên tai, sự cố gây hậu quả nặng nề: chết 1.339 người, mất tích 200 người, bị thương 513 người, gây hư hỏng 7.638 căn nhà, 91.205 con gia súc bị chết…Thiệt hại về kinh tế do thiên tai ước tính 5.065 tỷ đồng, gấp 2,8 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã triển khai các hoạt động cứu trợ người dân bị ảnh hưởng bởi hoàn lưu các cơn bão ở miền Trung, trong đó triển khai nguồn cứu trợ trên 26 tỷ đồng, từ nguồn tài trợ của Hiệp Hội Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, Hội Chữ thập đỏ Mỹ và nguồn quỹ của các doanh nghiệp. Hội đã trao tặng hơn 17.000 bộ áo phao cứu sinh đa năng cho ngư dân tại 19 tỉnh, thành phố; trao tặng 1.960 lá cờ Tổ quốc và 2.960 túi sơ cấp cứu cho các tàu thuyền tại 14 tỉnh, thành; hỗ trợ xây dựng 378 nhà an toàn cho ngư dân tại 13 tỉnh. Bên cạnh đó, Hội tổ chức 78 khóa truyền thông về sơ cấp cứu và phổ biến pháp luật liên quan cho 3.900 ngư dân; hỗ trợ sinh kế cho ngư dân nghèo, khó khăn tại 11 tỉnh, thành phố và các gia đình có nạn nhân bị thiệt mạng, mất tích trong vụ chìm tàu tại tỉnh Quảng Nam… Tổng giá trị hoạt động phòng ngừa, ứng phó thiên tai, dịch bệnh và sự cố nghiêm trọng trong năm 2022 đạt gần 115 tỷ đồng.
Từ đầu năm 2023, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã ban hành Lời kêu gọi trong nước để ủng hộ nhân dân 2 nước Thổ Nhĩ Kỳ và Syria khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống và sẻ chia tấm lòng, tình cảm của nhân dân Việt Nam. Tính đến ngày 17/4/2023, qua hệ thống Hội đã vận động tiền và hàng trị giá trên 16 tỷ đồng, đã chuyển một chuyến hàng và 200.000 USD sang Thổ Nhĩ Kỳ và Syria (mỗi nước 100.000 USD); đang làm thủ tục chuyển tiếp 200.000 USD cho hai quốc gia trên.
Lãnh đạo Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cho biết, trong thời gian tới, Hội tiếp tục triển khai các hoạt động ứng phó trước thiên tai, dịch bệnh và sự cố nghiêm trọng; hoàn thiện, chuẩn bị sẵn sàng các quy trình hướng dẫn thực hiện hoạt động cứu trợ khẩn cấp, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh. Cùng với đó, Hội thực hiện chế độ ứng trực, thông tin, báo cáo kịp thời và sử dụng linh hoạt các lực lượng tham gia công tác cứu trợ khẩn cấp; đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về công tác phòng ngừa, ứng phó thiên tai, dịch bệnh và sự cố nghiêm trọng; nâng cao hiệu quả công tác vận động nguồn lực cứu trợ và cứu nạn…