Tham gia Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam có các Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc; Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh; Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan Nguyễn Hải Bằng; đại diện lãnh đạo một số Ủy ban của Quốc hội…
Chủ đề chung của Đại hội đồng AIPA 40 là “Thúc đẩy quan hệ đối tác nghị viện vì Cộng đồng bền vững”. Trọng tâm hoạt động lần này là việc Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp nhận chức Chủ tịch AIPA từ Chủ tịch Hạ viện Thái Lan theo nguyên tắc luân phiên, tổ chức Đại hội đồng AIPA 41 vào năm 2020 và các hoạt động khác trong khuôn khổ Năm Chủ tịch AIPA.
Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam cũng dự kiến sẽ tham gia và đóng góp ý kiến vào dự thảo nhiều Nghị quyết quan trọng như dự thảo Nghị quyết về “Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ trong ASEAN; thúc đẩy ngoại giao nghị viện vì sự phát triển của Cộng đồng ASEAN; nâng cao kết nối số nhằm hỗ trợ sự phát triển của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa MSMES; hợp tác ASEAN cho cách mạng công nghiệp 4.0”.
Đồng thời, đề nghị các Nghị viện thành viên AIPA rà soát hệ thống pháp luật để ban hành mới hoặc sửa đổi bổ sung các văn bản pháp luật tạo điều kiện cho các nước trong ASEAN, tăng cường hợp tác phát triển kinh tế số, đổi mới sáng tạo trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, phát triển cơ sở hạ tầng bền vững và thông minh; kêu gọi AIPA và ASEAN tăng cường liên kết phát triển du lịch có trách nhiệm và bền vững, đem lại các lợi ích kinh tế vừa góp phần bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam còn tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo Nghị quyết về “Nâng cao chất lượng cuộc sống của người cao tuổi” của Thái Lan; nhấn mạnh yêu cầu đối với việc nâng cao chất lượng cuộc sống của không chỉ người cao tuổi mà cả người dân tộc thiểu số, người yếu thế và người khuyết tật trong xã hội; thúc đẩy hợp tác AIPA và ASEAN bảo vệ các di sản và các gía trị văn hoá phi vật thể.
Tại phiên họp toàn thể của Đại hội đồng, Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam sẽ tập trung đóng góp quan trọng những nội dung liên quan đến thúc đẩy hợp tác đa phương và tiến trình hội nhập khu vực ASEAN, giữ gìn hoà bình, ổn định, đoàn kết, thống nhất và phát triển trong khu vực. Nêu một số nhiệm vụ đối với ASEAN và AIPA thúc đẩy quan hệ đối tác nghị viện vì Cộng đồng ASEAN bền vững dựa trên luật lệ, nêu cao pháp quyền lấy người dân làm trung tâm, phát triển bản sắc trong ASEAN. Nêu bật nhiệm vụ củng cố đoàn kết thống nhất trong AIPA và đổi mới AIPA theo hướng dân chủ, hỗ trợ lẫn nhau, thu hẹp khoảng cách phát triển.
Thúc đẩy quan hệ Quốc hội Việt Nam – Thái Lan
Chuyến thăm chính thức Vương quốc Thái Lan của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước đang phát triển tốt đẹp trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là từ khi nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược vào năm 2013.
Việt Nam và Thái Lan thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1976 và luôn được vun đắp, xây dựng phát triển tốt đẹp trên tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt năm 2013, Việt Nam và Thái Lan đã chính thức nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược nhân chuyến thăm Thái Lan của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Hai bên đã triển khai hiệu quả Chương trình Hành động triển khai quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam -Thái Lan giai đoạn 2014-2018 và đang gấp rút hoàn tất nội dung Chương trình hành động giai đoạn 2019-2024.
Về thương mại, Thái Lan hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN trong khi Việt Nam là đối tác xuất khẩu lớn thứ 2 của Thái Lan trong ASEAN và thứ 7 trên thế giới. Thái Lan coi trọng hợp tác trong ASEAN. Việt Nam và Thái Lan phối hợp tốt trong ASEAN, có chung lập trường trong việc xây dựng ASEAN, trong đó có việc giữ vững đoàn kết, nhất trí trong ASEAN, cũng như vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực và trong quan hệ với các nước đối tác.
Cùng với quan hệ Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước, quan hệ giữa cơ quan lập pháp hai nước không ngừng được thúc đẩy và phát triển tốt đẹp. Hai bên duy trì trao đổi nhiều đoàn cấp lãnh đạo các ủy ban và nghị sỹ, đóng góp tích cực cho quan hệ hữu nghị, hợp tác Việt Nam - Thái Lan nói chung.
Về phía Thái Lan, Chủ tịch Thượng viện và Hạ viện đã thăm Việt Nam. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã thăm Thái Lan trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII. Hai bên hợp tác chặt chẽ tại các diễn đàn liên nghị viện quốc tế như: Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU), Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương (APPF), Hội đồng liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AIPA).
Hai nhóm nghị sỹ hữu nghị hai nước cũng có sự giao lưu, trao đổi đoàn và hoạt động hiệu quả.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tham dự Đại hội đồng AIPA 40 và thăm chính thức Vương quốc Thái Lan có ý nghĩa quan trọng, thể hiện vai trò của Quốc hội Việt Nam trong diễn đàn AIPA; góp phần khẳng định đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, tích cực, chủ động hội nhập sâu rộng khu vực và quốc tế, củng cố, tăng cường hơn nữa mối quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Thái Lan.