Điểm cầu UBND thành phố Hà Nội, đại diện lãnh đạo thành phố và các sở, ban, ngành cùng 150 đoàn viên, thanh niên tiêu biểu trên các lĩnh vực đã dự.
Điểm cầu tại 30 quận, huyện, thị xã có các Chủ tịch UBND, lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể cấp huyện cùng 2.000 đoàn viên thanh niên đại diện cho gần 3 triệu thanh niên Thủ đô Hà Nội tham gia.
Tại buổi đối thoại, Chủ tịch UBND thành phố cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan trao đổi, giải đáp mong muốn của đoàn viên thanh niên Thủ đô trên 4 nhóm lĩnh vực: Tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề, lao động nhân lực trẻ, kinh doanh online; Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp, cơ chế hoạt động quỹ đầu tư, sự tham gia của người trẻ vào khoa học công nghệ cao; cải cách hành chính liên quan đến các lĩnh vực dịch vụ công, chế độ chính sách cho cán bộ Đoàn; chuyển đổi số ứng dụng trong doanh nghiệp, sự tham gia của thanh niên vào chuyển đổi số trong giảng dạy, phát triển công nghiệp văn hóa…
“Khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi số” là một phần của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đóng vai trò quan trọng trong việc đưa con người, các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức và toàn xã hội vào kỷ nguyên số hóa và thông minh hơn. Việc khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi số là một xu hướng tất yếu, được khá nhiều thanh niên quan tâm và tham gia. Cùng với nhiều địa phương trong cả nước, thời gian qua thành phố Hà Nội đã có nhiều chủ trương, chính sách đặc thù, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho thanh niên từng bước tham gia vào quá trình khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi số. Trong định hướng phát triển Thủ đô theo tinh thần Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị, khi nền kinh tế chủ yếu dựa trên tri thức thì nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao ngày càng thể hiện vai trò quyết định.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi số đang là xu hướng chính của giới trẻ.
Tại hội nghị, với tinh thần “Khát vọng - Tiên phong - Đoàn kết - Sáng tạo - Phát triển”, Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Thanh niên, Hội Sinh viên Hà Nội cam kết trước lãnh đạo thành phố và tuổi trẻ Thủ đô về việc hiện thực hóa các chủ trương, nhiệm vụ, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao, xây dựng xã hội số và thúc đẩy mạnh mẽ khởi nghiệp sáng tạo.
Chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên
Mở đầu buổi đối thoại, Bí thư Đoàn Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông Trần Tuấn Dương đặt câu hỏi: Thành phố có những chính sách gì trong việc đào tạo kỹ năng nghề nghiệp cho thanh niên và đào tạo lại cho lao động phổ thông để nâng cao hơn nữa sức cạnh tranh cho lực lượng lao động Thủ đô?
Trả lời câu hỏi này, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội Bạch Liên Hương cho biết: Việc làm là vấn đề ở bất kỳ giai đoạn nào đều được mọi người quan tâm, nhất là giới trẻ. Thành phố đang triển khai chính sách đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm cho 6 nhóm đối tượng gồm: Chính sách hỗ trợ đào tạo nghề dưới 3 tháng cho thanh niên nông thôn, trong đó có hỗ trợ tiền ăn, đi lại; chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm cho những người thu hồi đất phục vụ giải phóng mặt bằng; hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương; hỗ trợ đào tạo lao động cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; hỗ trợ miễn giảm học phí cho học sinh Trung học Phổ thông khi chuyển sang học nghề; hỗ trợ các đối tượng sau thi hành án trở về địa phương để tái hòa nhập cộng đồng.
Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết thêm, Thành phố có kế hoạch căn cơ cho từng năm, dành nhiều sự quan tâm cho vấn đề đào tạo, tạo việc làm cho thanh niên và thông tin về các đơn vị, trong đó có Thành Đoàn Hà Nội dành nhiều tâm huyết, quan tâm đối với vấn đề việc làm cho thanh niên.
Làm rõ hơn, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh chia sẻ: "Tôi biết các bạn trẻ hiện nay rất quan tâm đến các vấn đề thực tế là làm sao cho thanh niên Thủ đô đến tuổi đi làm được đi làm, làm sao khi thất nghiệp sẽ có việc làm mới. Nhiệm vụ của lãnh đạo Sở, ngành thành phố phải lưu tâm đến việc chuyển hướng tư duy đào tạo ngành nghề có lợi thế, nhà trường chuyển sang đào tạo nhân lực mà xã hội cần".
Phát động Thanh niên địa phương bán sản phẩm OCOP
Là người kinh doanh tại trung tâm Hà Nội, Bí thư Đoàn phường Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm) Đàm Mỹ Phượng nêu cụ thể trường hợp của bạn hiện đang kinh doanh thực phẩm tươi sống có nguồn gốc an toàn. Đây là xu thế việc làm mới trong thanh niên, sinh viên khi họ trở thành các "livestreamer"- người bán hàng trực tuyến.
Mặc dù phát triển rầm rộ nhưng hoạt động này vẫn đang diễn ra tự phát, chưa đóng góp trực tiếp vào ngân sách địa phương. Phượng đặt câu hỏi: "Thành phố có những định hướng gì để xu hướng này trở thành một ngành nghề “chính thống” và đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội? Ví dụ như thành phố có hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm OCOP, quản lý hoạt động thương mại trực tuyến để gia tăng lượng thuế thu nhập trên các nền tảng số, thu hút đầu tư trong lĩnh vực thương mại điện tử…".
Giải đáp câu hỏi của bạn Đàm Mỹ Phượng, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết: Kinh doanh bán hàng online là một hình thức kinh doanh thương mại điện tử và được pháp luật Việt Nam công nhận. Hiện nay, ngành kinh doanh thương mại điện tử đang phát triển rất tốt, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng mức bán lẻ vào doanh thu dịch vụ của Hà Nội. Chỉ số thương mại điện tử của Hà Nội đứng thứ 2 toàn quốc.
Bà Trần Thị Phương Lan gửi lời khuyên tới các thanh niên khi kinh doanh thương mại điện tử, cần chấp hành đầy đủ các quy định pháp luật của Nhà nước, phải được cấp phép theo Nghị định 72 của Chính phủ về thông tin truyền thông, sau đó phải đăng ký website bán hàng và kê khai thuế theo quy định của pháp luật. Hà Nội hiện đang có nhiều chương trình hỗ trợ trong kinh doanh thương mại điện tử để hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, đặc biệt là các chương trình giao thương sản phẩm OCOP.
Với lĩnh vực này, Chủ tịch UBND thành phố khuyến khích các bạn trẻ kinh doanh nhưng luôn phải kinh doanh phải đúng pháp luật, vì mọi cá nhân đều bình đẳng trước pháp luật. Đồng thời, ông bày tỏ mong muốn làm thế nào để Đoàn Thanh niên mỗi địa phương, mỗi cơ sở phát động phong trào thanh niên, Bí thư Đoàn tham gia bán được sản phẩm OCOP của địa bàn mình.
Người trẻ cần làm chủ ngay từ hôm nay
Kết luận buổi đối thoại, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh đánh giá các đoàn viên, thanh niên đã thực sự chủ động, nhiệt huyết trong các phong trào hành động cách mạng. Các bạn trẻ phải xác định mình là những người làm chủ đất nước, là lực lượng nòng cốt tham gia vào quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước, từ lao động sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, nghiên cứu khoa học, lực lượng vũ trang… “Chính vì vậy, người trẻ đừng chờ đợi và đừng nghĩ mình là chủ nhân trong tương lai, hãy hành động làm chủ ngay từ bây giờ", Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nhấn mạnh.
Tại buổi đối thoại, lãnh đạo thành phố được lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng và chia sẻ khó khăn, mong muốn của các bạn thanh niên, từ đó có giải pháp phù hợp để giải quyết cơ bản những mong muốn, trăn trở của đoàn viên, thanh niên trên địa bàn thành phố. Buổi đối thoại góp phần khơi dậy, phát huy tính năng động, sáng tạo, vai trò và trách nhiệm của đội ngũ đoàn viên, thanh niên đối với quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô nói riêng, đất nước nói chung trong giai đoạn tới.
Ông Trần Sỹ Thanh bày tỏ mong muốn được trao đổi, lắng nghe nhiều hơn ý kiến của tuổi trẻ Thủ đô, để cập nhật kiến thức, tư duy, cách thức từ người trẻ. Đồng thời, mong Đoàn Thanh niên đổi mới phương thức hoạt động, làm sao thu hút được thanh niên nhiều nhất, đông nhất, làm được nhiều việc ý nghĩa nhất cho xã hội.
Bí thư Thành Đoàn Hà Nội Chu Hồng Minh tiếp thu các gợi mở của lãnh đạo thành phố và xác định đó là những định hướng quan trọng để thanh niên Thủ đô tự tin, mạnh dạn tham gia chủ động, hiệu quả vào công cuộc khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi số. Đây là hành trang giúp thanh niên vững bước, xung kích trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Thủ đô, đất nước ngày càng giàu đẹp, phát triển, hăng hái trong công cuộc khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi số.