Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở Công thương, Công an tỉnh, các cơ quan, đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý mỹ phẩm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, quảng cáo, buôn bán mỹ phẩm giả, kém chất lượng và tiến hành xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với Công ty CP nhà máy y tế E.B.C Đồng Nai; báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh kết quả kiểm tra, xử lý việc đình chỉ lưu hành, thu hồi và tiêu hủy mỹ phẩm không đạt chất lượng trong ngày 25/5/2025. Đồng thời công khai kết quả xử lý trường hợp vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, phòng tránh.
Sở Y tế phối hợp các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, hậu kiểm đối với Công ty CP nhà máy y tế E.B.C Đồng Nai, các cơ sở sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm trên địa bàn tỉnh; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, không để xảy ra sai phạm, xử lý vi phạm, thu hồi các sản phẩm giả, kém chất lượng lưu thông trên thị trường. Kết quả báo cáo UBND tỉnh trong ngày 23/5/2025.
Giám đốc Sở Y tế chịu trách nhiệm trước lãnh đạo Tỉnh ủy và lãnh đạo UBND tỉnh về công tác quản lý nhà nước đối với các nội dung chỉ đạo nêu trên.
Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Công thương chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tổ chức đợt cao điểm và thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm các vụ việc kinh doanh hàng nhập lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, đặc biệt là các vi phạm trên môi trường thương mại điện tử.
Từ kết quả rà soát, kiểm tra, xử lý, đánh giá, chỉ ra nguyên nhân, điều kiện vi phạm, các sơ hở, bất cập trong quy định pháp luật hoặc cơ chế quản lý mà các đối tượng lợi dụng vi phạm pháp luật để kiến nghị các giải pháp khắc phục. Kế hoạch thực hiện báo cáo UBND tỉnh trước ngày 25/5/2025.
Lãnh đạo tỉnh giao Công an tỉnh chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương điều tra, làm rõ sai phạm của Công ty CP nhà máy y tế E.B.C Đồng Nai, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; đồng thời chỉ đạo Công an cấp xã tăng cường nắm bắt tình hình, phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời hành vi sản xuất buôn bán thực phẩm, mỹ phẩm giả, kém chất lượng; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.
UBND các huyện, thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, mỹ phẩm trên địa bàn, chú trọng đến việc kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ, các sản phẩm có dấu hiệu giả mạo nhãn mác, bao bì; nếu vi phạm xử lý nghiêm theo quy định.
Lãnh đạo tỉnh giao UBND huyện Trảng Bom phối hợp Sở Y tế và các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát đối với Công ty CP nhà máy y tế E.B.C Đồng Nai; kịp thời ngăn chặn, xử lý vi phạm, thu hồi các sản phẩm giả, kém chất lượng lưu thông trên thị trường.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện. Trường hợp chậm trễ, buông lỏng quản lý dẫn đến phát sinh hậu quả nghiêm trọng sẽ chịu trách nhiệm trước lãnh đạo Tỉnh ủy và UBND tỉnh.
Trước đó, Ngày Nay đã thông tin, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ VB Group, Thành phố Hồ Chí Minh (do ông Nguyễn Quốc Vũ là người đại diện theo pháp luật) đã ký hợp đồng với Công ty CP Nhà máy y tế E.B.C Đồng Nai (huyện Trảng Bom) để sản xuất 2 lô sản phẩm mỹ phẩm Hanayuki Shampoo và Hanayuki Sunscreen Body.
Kết quả kiểm tra cho thấy, kết quả kiểm nghiệm của Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm tỉnh Quảng Trị có các chỉ số kiểm nghiệm đều đạt, do đó Công ty CP Nhà máy y tế E.B.C Đồng Nai đã xuất hàng cho Công ty TNHH Thương mại dịch vụ VB Group đưa sản phẩm ra thị trường.
Đoàn kiểm tra do Thanh tra và Phòng nghiệp vụ Sở Y tế nhận thấy vụ việc không có dấu hiệu hình sự, vì vậy, đoàn đã lập biên bản vi phạm hành chính, xử phạt theo quy định. Đồng thời, Công ty CP Nhà máy y tế E.B.C Đồng Nai có trách nhiệm thu hồi và tiêu huỷ toàn bộ sản phẩm đối với 2 sản phẩm mỹ phẩm Hanayuki Shampoo và Hanayuki Sunscreen Body với số lô bị vi phạm.
Sau khi làm việc với đoàn kiểm tra, người đại diện theo pháp luật của Công ty CP Nhà máy y tế E.B.C Đồng Nai đã xác nhận các lỗi vi phạm quy định về sản xuất và kinh doanh mỹ phẩm.
Cụ thể: sản xuất mỹ phẩm có công thức không đúng như hồ sơ công bố sản phẩm mỹ phẩm (chất bảo quản 2-Phenoxyethanol không có trong thành phần trên nhãn); sản xuất mỹ phẩm không đạt tiêu chuẩn chất lượng (Hanayuki Sunscreen Body có chỉ số chống nắng SPF là 2,4 thấp hơn so với chỉ số chống nắng ghi trên nhãn (SPF 50) và sản phẩm Hanayuki Shampoo mẫu thử không đạt yêu cầu chất lượng về chỉ tiêu giới hạn nhiễm khuẩn theo quy định hài hòa ASEAN). Công ty kinh doanh mỹ phẩm có hồ sơ thông tin sản phẩm (PIF) nhưng không đầy đủ theo quy định của pháp luật (thiếu mẫu nhãn sản phẩm).
Ngay sau khi nhận được công văn thu hồi của Bộ Y tế, công ty này đã có thông báo thu hồi đối với các sản phẩm trên.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cũng chỉ đạo, khẩn trương chủ trì, phối hợp Công an tỉnh và các ngành liên quan kiểm tra và xử lý đối với việc Công ty TNHH Nestlé Việt Nam quảng cáo đối với sản phẩm "Thực phẩm bổ sung Sữa lúa mạch Nestlé Milo" theo phản ảnh của các cơ quan báo chí và yêu cầu tại Công văn số 1030/ATTP-NĐTT ngày 16/5/2025 của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) về việc phối hợp xử lý thông tin về sản phẩm sữa Nestlé Milo.