Chủ tịch Vinaxuki: 'Tôi dại dột bán nhà trả nợ'

(Ngày Nay) - “Tôi dại dột quá rồi, lẽ ra tiền bán nhà cửa 200 tỷ đồng không trả nợ hết ngân hàng mà làm vốn lưu động, cho nhà máy hoạt động công suất nhỏ thì giờ có lẽ Vinaxuki đã có lãi...".
Chủ tịch Vinaxuki ông Bùi Ngọc Huyên - Ảnh: KL
Chủ tịch Vinaxuki ông Bùi Ngọc Huyên - Ảnh: KL

Từ một doanh nghiệp đi đầu trong đẩy mạnh nội địa hoá, Vinaxuki rơi vào tình cảnh sống dở chết dở. Bản thân doanh nghiệp đang phải ôm nợ 1.400 tỷ trong khi muốn bán nhà máy để trả nợ cũng không ai mua.

Chủ tịch công ty Bùi Văn Huyên lại tiếp tục đệ đơn kêu cứu lên Thủ tướng và các bộ ngành. Theo ông Huyên, nếu được ngân hàng tái cơ cấu vay vốn, doanh nghiệp chắc chắn có lãi sau 3 năm hoạt động. 

5 năm xin vay nhưng ngân hàng từ chối

- 4 năm trước, ông từng kỳ vọng Vinaxuki phục hồi và có lãi sau kinh tế khủng hoảng, nhưng đến nay doanh nghiệp bên bờ vực phá sản. Vì sao vậy thưa ông?

 - Vinaxuki từng thành công, chúng tôi đã có lãi, thậm chí lãi nhiều. Bằng chứng là từ năm 2006 đến đầu năm 2009, năm lãi thấp nhất cũng đạt 90 tỷ đồng, năm cao nhất tới 160 tỷ đồng. Đến năm 2009, công ty đã thu hồi được toàn bộ vốn đầu tư giai đoạn này. 

Thế nhưng khó khăn nhất với chúng tôi là tháng 6/2010 khi khủng hoảng quay trở lại, hàng nghìn ôtô lắp ráp ra ế ẩm, giá xe giảm dẫn đến khó khăn trong thu hồi vốn, lợi nhuận giảm dần. Cho đến 2012, sau 20 năm hoạt động lần đầu tiên chúng tôi lỗ 45 tỷ đồng. 

Tuy nhiên, thời điểm đó không chỉ Vinaxuki mà các doanh nghiệp trong ngành đều lỗ. Có công ty lỗ đến 750 tỷ đồng và nợ thuế 1.250 tỷ, nợ ngân hàng 7.500 tỷ đồng.

Khó khăn thứ hai phải kể đến từ năm 2012, khi dự án đầu tư xong, các mẫu đã bán hoặc đang hiệu chỉnh hoàn thiện thì ngân hàng đồng loạt cắt vốn lưu động. Tôi đã làm ra được 1 xe 8 chỗ, 2 xe 5 chỗ. Đây là sản phẩm chiến lược của Chính phủ, được ưu tiên vay vốn của Chính phủ, đã chạy thử và định sản xuất nhưng lại bị cắt không cho vay vốn.

5 năm nay, tôi đi xin nhưng ngân hàng đều trả lời doanh nghiệp đầu tư công nghệ cao thì phải vay vốn Chính phủ. Chính phủ chỉ định Ngân hàng phát triển cho tôi vay, nhưng Ngân hàng phát triển lại bảo rằng: Dự án tôi làm là vay vốn các ngân hàng thương mại nên có dự án mới họ mới cho vay, dự án cũ thì không cho được. Tôi bây giờ sợ chết khiếp làm dự án mới rồi. 

Để thu lại nợ vay, Vietcombank đã bán khoản cho vay của Vinaxuki cho Công ty  quản lý tài sản (VAMC). Nhiều người nói chúng tôi phá sản nhưng không phải, chúng tôi chưa phá sản, bán nợ xấu chưa phải là phá sản.

Tổng tài sản của tôi vẫn lớn hơn số nợ vay, nợ gốc cộng lãi là hơn 1.400 tỷ, trong khi tổng tài sản của tôi hiện trên 3.000 tỷ. Đúng ra thì tôi vẫn được vay 700 tỷ đồng nữa nhưng ngân hàng không cho vay.

- Lúc này, nhiều người nói niềm tin vào giấc mơ ôtô Việt Nam đã tàn lụi, nhưng dường như ông vẫn chưa bao giờ tắt say mê của mình? 

 - Sông có khúc - người có lúc, chẳng có doanh nghiệp nào làm ăn mà không có thời gian đầu thua lỗ. Trong khi đó, muốn sản xuất một chiếc ôtô bán ra thị trường cũng phải mất 2-3 năm, sau đó mất thêm thời gian đầu chấp nhận bán giá rẻ hơn. 

Nhiều người hỏi tôi 75 tuổi sao không về nghỉ hưu với con cháu, nhưng nói thật mỗi người có một đam mê, một cuộc sống của riêng mình. Ở Mỹ, châu Âu, nhiều ông chủ tịch tập đoàn 90 tuổi vẫn điều hành, vẫn lập kế hoạch công ty. 

Về hưu hơn 20 năm nay, tôi chỉ ăn cơm cùng anh em công nhân. 75 tuổi tôi vẫn còn khoẻ, tự lái xe đi Thanh Hoá công tác được. Quan trọng tôi là người dân Việt Nam, tôi cần tiền làm xe thương hiệu Việt chứ không cần tiền để sống.

- Ở Việt Nam, khi nói đến ôtô người ta thường nhắc tên ông Dương -Trường Hải và ông Huyên - Vinaxuki. Thế nhưng, đến nay ông Dương kiếm bộn tiền còn ông liên tục thua lỗ, có bao giờ ông thấy chạnh lòng?

- Trường Hải chỉ lắp ráp và thương mại. Con đường đó đương nhiên thu lợi nhuận nhanh. Trong khi họ lại được ngân hàng cho vay vốn còn chúng tôi thì không. 

Nếu được cho vay vốn năm 2013 thì đến nay chúng tôi cũng lãi. Tôi có nhà máy xe tải nhẹ Thủ tướng cấp phép xây từ năm 2004, toàn bộ khu này đã khấu hao và thu hồi vốn xong. Nhà máy xe tải nặng ở Thánh Hoá nếu chỉ dùng 1/3 công suất, 5.000 xe/năm thì mỗi năm ít nhất tôi cũng lãi 500 tỷ đồng, và chỉ cần 3 năm là tôi trả hết nợ ngân hàng. 

Tuy nhiên, có một điều trớ trêu là ngân hàng bắt tôi bán nhà máy xe tải để trả nợ thì lại cho nhà máy khác vay tiền để nhập khẩu xe tải từ Trung Quốc vào,  hay cho các công ty khác xây nhà máy xe tải nặng. Đây là điều rất vô lý. Nhà máy tôi đã lắp xong bao nhiêu xe cuối cùng bắt đóng cửa vì bảo không khả thi, lại cho những doanh khác vay tiền để mở? 

Ông Dương còn nói với tôi rằng đừng tin vào nội địa hoá, chỉ có lắp ráp và đến năm 2018 nhập khẩu nguyên chiếc mà bán, nhưng tôi vẫn theo đuổi giấc mơ ôtô Việt Nam.

Dại dột bán nhà trả nợ

- Theo đuổi giấc mơ quá tốn kém, ông hối hận không?

 - Tôi đã đổ không biết bao nhiêu tiền vào đam mê của mình. Đến nay, tôi đã bán một căn nhà được phân của bố tôi từ năm 1960. Căn nhà thứ hai của tôi tại Láng Hạ cũng bị bán. Nhà của con gái, của cháu ngoại tôi cũng bán hết để lấy tiền trả nợ cho Vietcombank.

Nhưng tôi dại dột quá rồi. Lẽ ra tài sản thế chấp trước đây để nguyên, tài sản nhà cửa bán đi được 100-200 tỷ đồng, tôi không trả ngân hàng mà làm vốn lưu động, cho nhà máy hoạt động công suất nhỏ, sau đó bán cổ phần cho doanh nghiệp nước ngoài thì giờ có lẽ tôi đã có lãi và trả nợ hết. 

- Còn gia đình có ủng hộ ông tiếp tục theo đuổi giấc mơ ôtô "made in VietNam"? 

 - Con trai con gái tôi trước đều làm phó tổng giám đốc. Tôi động viên các con sau giai đoạn khó khăn sẽ bán cổ phần cho các cổ đông, lúc đó không còn vất vả nữa… 

Nhưng bây giờ ngoài làm việc thì suốt ngày tu phật, đọc kinh, ăn cơm chay. Con tôi không tin ai ngoài trời phật nữa. Nhưng chúng nó vẫn ủng hộ và cùng tôi làm việc.

Bản thân tôi, giờ một tháng cũng chỉ tiêu 4,9 triệu tiền lương hưu cả tiền xăng xe, chi phí đi lại và tiên ăn uống hàng ngày. Tiền lương trả công nhân, chi phí… tôi vay anh em trong nhà đến nay hơn 2 tỷ đồng. Mọi người còn đưa tiền cho tôi tiêu nhưng tôi không dám lấy. 

Hiện, hơn 1.000 công nhân đã nghỉ hết, chỉ còn khoảng 24 người ở cả hai nhà máy Mê Linh và Thanh Hoá. Nhiều công nhân trước được tôi cho ra nước ngoài học nghề, nâng cao kiến thức nay về quê mở xưởng, làm doanh nghiệp cũng thành công. Tôi chỉ thương anh em, nhất mấy bà công nhân gần đây họ liên tục gọi kể thất nghiệp, không có việc làm, không có tiền đóng học cho con…

Sợ chính sách

- Nếu đề nghị lần này được Chính phủ đồng ý, ngân hàng tái cấp vốn, ông kỳ vọng điều gì? 

 - Nếu được ngân hàng tái cơ cấu và vay được 200 tỷ vốn lưu động thì nhà máy sẽ vận hành trở lại, Vinaxuki sẽ bán cổ phần cho cổ đông chiến lược, bán cổ phiếu ra thị trường chứng khoán sau 3 năm phục hồi sản xuất và có lãi… Sau đó, chúng tôi sẽ thu hồi vốn trả nợ.

- Bằng không, ông có cách khắc phục nào khác? 

Còn cách khắc phục tôi đi tìm, kêu gọi doanh nghiệp nước ngoài góp vốn đầu tư. Nhưng cũng khổ lắm vì lúc làm ăn có lãi thì họ tự tìm đến, giờ nhiều đoàn đến tham quan nhưng họ cũng không dám mua vì nói sợ chính sách Việt Nam. 

 - Vậy ông mong muốn chính sách Việt Nam như thế nào? 

Chính phủ chỉ cần dành 5% thuế thu được từ ô tô, sau đó lập quỹ riêng như Hàn Quốc cho doanh nghiệp vay thời hạn 10 năm lãi suất 0% là hoàn toàn làm được ô tô Việt Nam chứ đừng lệ thuộc vào ngân hàng. 

Mà tôi khẳng định Việt Nam hoàn toàn làm được ô tô. Tôi đi sang nước ngoài học hỏi, người Nhật họ còn phải thán phục người Việt Nam. Người Việt hoàn toàn đủ tài năng và trí tuệ làm ô tô. 

Xin cảm ơn ông!

Theo Zing
Khắc họa Hà Nội mộng mơ qua bộ tem bưu chính rực rỡ sắc hoa
Khắc họa Hà Nội mộng mơ qua bộ tem bưu chính rực rỡ sắc hoa
(Ngày Nay) -  Hà Nội có 4 mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông rõ rệt. Cùng với sự thay đổi của thời tiết, mỗi mùa, Hà Nội lại có vẻ đẹp rất riêng khi khoác lên mình chiếc áo mới, được tô điểm bởi sắc màu của một loài hoa chủ đạo. Yêu tha thiết Hà Nội, mê mẩn với những loài hoa, họa sỹ Nguyễn Quang Vinh đã dành nhiều tâm sức để đưa 12 loài hoa đặc trưng cho 12 tháng trong năm vào bộ tem bưu chính “Hà Nội 12 mùa hoa”.
Hồ ấp trứng rùa tại Trạm Kiểm lâm Hòn Bảy Cạnh-Ban Quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo. Ảnh: Huỳnh Sơn-TTXVN
Côn Đảo vào mùa sinh sản của rùa biển
(Ngày Nay) -  Bình quân mỗi năm gần đây, Vườn Quốc gia Côn Đảo cứu hộ trên 1.500 tổ trứng rùa biển, tiến hành ấp nở nhân tạo và thả trên 150.000 cá thể rùa con về biển.
Ảnh minh họa
Nhiều trẻ nhỏ, người già được “giải cứu” khỏi nắng nóng trên cao tốc Pháp Vân
(Ngày Nay) -  Sáng 28/4, trên nhiều trang mạng xã hội xuất hiện thông tin về một chiếc xe 16 chỗ bị đột ngột hỏng trên cao tốc Pháp Vân (cách Hà Nội khoảng 90 km về phía tỉnh Nghệ An). Chủ Facebook Nghĩa Đào viết: “Nghỉ lễ thuê xe về quê. Số nhọ hỏng xe cách Hà Nội 90km. Cả nhà đứng đường suốt 3 tiếng từ 6h30 đến 9h30. Gọi điện cho công ty thuê xe báo điều xe khác từ Hà Nội lên. Càng chờ càng mất hút...".
Ảnh minh họa
Xây dựng Phú Quốc trở thành trung tâm du lịch biển đảo tầm cỡ quốc tế
(Ngày Nay) -  Ngày 27/4, Văn phòng Chính phủ phát đi Thông báo số 189/TB-VPCP truyền đạt ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị tổng kết Quyết định số 178/2004/QĐ-TTg ngày 5/10/2004 về Đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020.
Tuyến phố đi bộ Bãi Cháy thu hút đông đảo người dân và du khách trong ngày đầu khai trương. Ảnh: Đức Hiếu - TTXVN
Quảng Ninh đưa thêm một tuyến phố đi bộ vào hoạt động
(Ngày Nay) -  Tối 27/4, tại khu phố cổ công viên Đại Dương, phường Bãi Cháy, thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) tuyến phố đi bộ kết hợp ẩm thực Bãi Cháy chính thức được khai trương. Tuyến phố này hoạt động từ 19 giờ đến 24 giờ hàng ngày.