Theo Dailymail, bệnh nhân nam này ở London (Anh) được chẩn đoán nhiễm HIV vào năm 2003 và từ 2012, ông được điều trị ARV. Vào năm 2016, ông được ghép tủy và ông vẫn sử dụng thuốc ARV thêm một năm sau đó.
Trong suốt 18 tháng sau khi được ghép tủy, ông đã dừng thuốc và thường xuyên kiểm tra. Kết quả kiểm tra xác định bây giờ không thể phát hiện được virus HIV trong cơ thể ông nữa.
Phương pháp cấy ghép tế bào gốc thực tế không áp dụng điều trị cho tất cả các trường hợp nhiễm HIV. Tuy nhiên, đây cũng là một hướng đi để các nhà nghiên cứu tìm ra phương pháp chữa trị HIV trong tương lai.
Chuyên san Nature công bố trên mạng hôm 4/3 về trường hợp của bệnh nhân này và trình bày chi tiết tại hội nghị về Retrovirus và Nhiễm trùng cơ hội ở Seattle, Mỹ. Nghiên cứu được thực hiện bởi bốn trường đại học UCL, Imperial, Oxford và Cambridge (Anh).
Cách đây 10 năm, một người Mỹ tên Timothy Ray Brown cũng đã được chữa khỏi bệnh HIV nhờ phương thức điều trị trên tại Berlin (Đức).
Timothy Brown, được cho là trường hợp đầu tiên “đánh bại” HIV/AIDS, sau hai lần cấy ghép tế bào gốc và xạ trị bệnh bạch cầu.
Cả hai thành công trên là kết quả của cấy ghép tủy xương cho bệnh nhân bị nhiễm bệnh. Nhưng ban đầu phương pháp cấy ghép được dự định để điều trị ung thư ở bệnh nhân, chứ không phải HIV.
Biện pháp cấy ghép như vậy là nguy hiểm và từng thất bại ở những bệnh nhân khác. Biện pháp này cũng không thực tế để áp dụng chữa trị cho hàng triệu người bị nhiễm bệnh.
Tuy nhiên, thành công bất ngờ với 2 trường hợp chữa khỏi HIV trên đã chứng minh rằng dù còn khó khăn nhưng chắc chắn có thể chữa trị HIV.