Và để khép lại hành trình đi tìm kiếm những dấu tích đặc sắc, phong phú này, Nicolas Cornet đã cho ra đời cuốn sách ảnh 250 trang, chắt lọc những phần ấn tượng nhất trong kiến trúc, họa tiết trang trí và cả những nét đẹp bình dị trong cuộc sống đời thường ở những đình chùa ấy.
“Ở Việt Nam có rất nhiều loại đình, đền. Trước hết phải kể đến đình, một ngôi nhà chung của làng, nơi thờ cúng thành hoàng, vị thần hộ mệnh cho làng; rồi đền là tên chung cho các nơi thờ Đạo giáo khắp nơi nhưng thờ Lão tử; và miếu thì thờ Khổng Tử”- nhà nhiếp ảnh người Pháp tâm sự. Trong cuốn sách ảnh ông cũng giới thiệu những địa điểm thờ cúng khác như nơi thờ thánh, chùa Khmer, chùa của cộng đồng người Hoa, và một số điểm hành hương như động và núi thiêng.
“Chùa Việt Nam” của Nicolas Cornet thể hiện những tình cảm đặc biệt mà nhiếp ảnh gia người Pháp dành cho đất nước Việt Nam, đồng thời bộ ảnh cũng hé lộ những thay đổi rõ rệt từ sự phát triển kinh tế, xã hội, cũng như ảnh hưởng của chúng đến những giá trị văn hóa và những di sản kiến trúc của Việt Nam.
Nicolas Cornet tỏ ra khá am hiểu: “Đền chùa truyền thống Việt Nam đều được làm bằng gỗ, vật liệu tự nhiên này mang lại vẻ ấm áp và thoáng mát, tuy nhiên cũng dễ bị tổn thương do thời tiết ẩm ướt và côn trùng phá hoại. Các nhà nghiên cứu Việt và Pháp, nhất là từ Trường Viễn Đông của Pháp, từ hơn một thế kỷ nay đã tìm ra biện pháp tu bổ theo phương pháp cổ truyền để bảo toàn được linh hồn của những nơi chốn thiêng liêng này. Những kỹ thuật đắt tiền và dày công này là cái giá để gìn giữ lâu dài vẻ đẹp nội tại và giá trị văn hoá của chúng.”
Cùng với cuốn sách ảnh, triển lãm ảnh “Chùa Việt Nam” của Nicolas Cornet cũng sẽ diễn ra tại Trung tâm văn hóa Pháp tại Hà Nội vào ngày 9/11 tới.